Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý sử dụng chất nạo vét để san lấp mặt bằng Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

du an nhan chim
Khu vực “nhận chìm” (khoanh đỏ) rất gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (khung xanh).

Ngày 16/8, đại diện Bộ TNMT cho biết tại cuộc họp trước đó 2 ngày với các bộ ngành liên quan, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất phương án sử dụng vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để san lấp mặt bằng theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Đây là phương án đã được Bộ TNMT và UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31/7.

Theo Bộ TNMT, việc này được cho là để đảm bảo tiến độ của dự án phát điện, bảo đảm được vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam cũng như tránh các tranh chấp pháp lý có thể phát sinh. Ngoài ra, phương án trên còn đảm bảo về môi trường do khu vực dự kiến lấn biển (ở Cảng tổng hợp Vĩnh Tân).

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chủ đầu tư thống nhất thực hiện phương án trên.

Trước đó, Bộ TNMT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 “vật chất” xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Bộ TNMT cho biết thành phần vật chất gồm bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi nạo vét từ cảng, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2017 đến tháng 10/2017. Phương thức là mở đáy xà lan. Khu vực nhận chìm rộng tới 30 ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ 8 km.

Quyết định này vấp phải sự phản đối của dư luận, một số nhà khoa học và tổ chức liên quan, trước phương thức “nhận chìm” sơ sài, có thể dẫn đến “thảm họa môi trường” biển.

3 trong số 14 nhà khoa học trong danh sách thành viên tham gia tư vấn dự án lên tiếng cho hay bị tự ý đưa tên vào danh sách dù không tham gia dự án.

Ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công Thương), nhưng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam – công ty tư vấn cho dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận. Việc này đã vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012 và Luật Viên chức.

Ông Hà Quốc Quân là người ký tên, đóng dấu vào cả hai hồ sơ liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận).

Như vậy, sau gần 2 tháng Bộ TNMT ra quyết định cho phép nhận chìm bùn thải xuống biển Tuy Phong, Chính phủ đã thống nhất với các Bộ, ngành đổi phương án từ nhận chìm sang lấn biển.

Vĩnh Long

Xem thêm: