Formosa và ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.

bồi thường thảm họa môi trường biển
Cá chết trôi dạt lên bờ biển miền Trung do nhiễm độc từ xả thải của công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh, tháng 9/2016. (Ảnh: FB Dương Phong)

Bộ TN&MT cho biết chiều ngày 20/7 tới, Bộ sẽ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 với chủ đề “Môi trường đô thị”, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về hiện trạng môi trường đô thị trong giai đoạn 2012-2016; đồng thời đề xuất những định hướng, giải pháp để bảo vệ môi trường đô thị trong thời gian tới.

Cùng với đó, báo cáo của Bộ cũng sẽ tổng hợp một số vụ việc liên quan đến môi trường nổi bật trong năm 2016.

Điểm lại các sự kiện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2016 trên cả nước, sự kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung là 1 trong các sự kiện môi trường nổi bật nhất.

Bắt đầu ghi nhận hiện tượng cá chết tại vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào ngày 6/4/2016, khu vực biển nhiễm độc nhanh chóng lan rộng và trải dài tới 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế khiến hải sản chết hàng loạt.

Nguyên nhân vụ việc được xác định là do công ty Formosa xả thải trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy, dẫn tới nước thải có chứa độc tố phenol, xyanua chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra môi trường. Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ, người dân và bồi thường 500 triệu USD.

formosa ha tinh
Nhìn lại một năm thảm họa Formosa xảy ra tại Việt Nam. (TTVN)

Cùng với sự kiện Formosa, nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành gây nguy hại đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và hủy hoại lâu dài môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Các vụ việc cũng đặt ra vấn đề về quản lý trong lĩnh vực môi trường của các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương khi tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất có nơi đã kéo dài trong nhiều năm.

Ô nhiễm sông Bưởi (Thanh Hóa): xảy ra vào tháng 5/2016 do Nhà máy Mía Đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) ở thượng nguồn sông Bưởi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm nước sông Bưởi chuyển màu xanh đục, nổi bọt và bốc mùi hôi thối.

Tính đến ngày 7/5/2016, có 73/109 lồng bè của 49 hộ nuôi thuộc các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Mỹ và Thành Vinh bị ảnh hưởng với số lượng cá chết trên 17,2 tấn. Nguồn nước sông ô nhiễm đã đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân ở 22 xã (15 xã thuộc huyện Thạch Thành và 7 xã của huyện Vĩnh Lộc). 

Nhà máy Mía Đường Hòa Bình đã nhận trách nhiệm và bồi thường 1,4 tỷ đồng cho người dân khu vực chịu thiệt hại.

Cá chết trên diện rộng tại hồ Tây (Hà Nội). Chỉ trong 3 ngày đầu tháng 10/2016, đã có khoảng 200 tấn cá chết tại hồ Tây, nổi trắng mặt nước dọc theo các đường Trích Sài, Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi. Thành phố đã huy động 1.000 người (bao gồm lực lượng Bộ Tư lệnh thủ đô và công an thành phố, cùng các lực lượng khác) sử dụng 100 thuyền vớt cá chết. Nhiều loại cá như cá chép, cá trôi, cá mè,… với nhiều kích thước khác nhau bị dạt vào ven bờ, nhiều con có trọng lượng 4-5 kg, có con nặng tới 6 kg.

Nguyên nhân làm cá chết được xác định là do nước hồ Tây bị ô nhiễm nặng chất hữu cơ, quá trình ôxy hoá mạnh diễn ra trong nước hồ dẫn tới thiếu hụt oxy, tỷ lệ amoni cao gấp 24 lần so với quy định khiến cá chết hàng loạt.

ca chet o ho tay
Cá chết nổi trắng hồ Tây dạt vào ven bờ. (Ảnh: FB Ngô Minh Hào)

Ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai): xảy ra từ năm 2011 đến 2016 khiến người dân bức xúc. Khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.100 ha gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ khói, bụi, CO, SO2, NH3, H2S,… cùng ô nhiễm tiếng ồn,… khiến hơn 1.000 hộ dân địa phương bị ảnh hưởng.

Năm 2011, nguồn ô nhiễm từ khu công nghiệp này đã làm hơn 40 ha cây trồng của ba thôn Khe Khoang, Thái Bình và Khe Chom của thị trấn Tằng Loỏng bị thiệt hại, các nhà máy tại khu công nghiệp phải bồi thường cho người dân 2,7 tỷ đồng. Tiếp đó, trong tháng 3 và tháng 4/2012, nguồn ô nhiễm từ các nhà máy trong khu công nghiệp tiếp tục khiến cá nuôi ở hai thôn Thái Bình và Khe Khoang chết hàng loạt. Trong hai năm 2012 và 2013, Ban Quản lý các khu công nghiệp và cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã xử phạt vi phạm hành chính một số doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Vỡ hồ chứa nước và bùn thải từ khai thác titan của công ty Tân Quang Cường (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận): xảy ra tháng 6/2016, làm tràn một lượng bùn đỏ lớn ra môi trường, chảy tràn qua đường nhựa ven biển khoảng 2 km dọc bờ biển xã Thuận Quý tạo thành dòng nước đỏ ven bờ. Hàng trăm mét khối nước và cát tràn ra đường, tràn vào các khu du lịch và một số nhà dân lân cận, có nơi cát đọng lại dày khoảng 0,5 m. Nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước khai thác titan có sức chứa khoảng 180.000 m3 nhưng bờ hồ chỉ đắp bằng đất cát, không kiên cố nên bị vỡ.

Ngọc Linh

Xem thêm: