Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em Việt, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu. Mỗi năm, có 3.500 trẻ em và trẻ vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong do đuối nước, tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày.

duoi nuoc
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Tai nạn thương tích là những thương tổn thực thể khi cơ thể con người bất ngờ phải chịu một lực như cơ học, nhiệt, điện, hoá học hoặc phóng xạ vượt quá ngưỡng chịu đựng về sinh lý hoặc là hậu quả của tình trạng thiếu hụt các yếu tố cần thiết cho sự sống như thiếu oxy trong trường hợp đuối nước, bóp nghẹt hay giảm nhiệt độ trong môi trường cóng lạnh. Theo Bộ Y tế, hiện nay, tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên và là vấn đề y tế công cộng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước đang phát triển.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý; 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến là nhóm tuổi 5-14 (36,9%), thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 (19,5%). Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm (trung bình mỗi ngày có 18 trẻ tử vong do tai nạn thương tích). Con số này chiếm 35,5% tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.

Cũng theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, cứ 100.000 trẻ thì có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Theo website Phòng chống tai nạn thương tích (Bộ Y tế), trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết của 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi mỗi năm (tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi ngày). Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ 26%.

Theo văn phòng thường trực Phòng chống tai nạn thương tích, có nhiều yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích ở trẻ em, các yếu tố này được chia làm 3 nhóm: Yếu tố con người; Yếu tố môi trường; và một số yếu tố khác. Tùy từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các loại hình/nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau, trong đó đuối nước là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong. Cụ thể:

  • Đối với trẻ sơ sinh: Nguyên nhân gây tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ cao nhất là đuối nước, ngã, ngạt, bỏng, tai nạn giao thông và ngộ độc;
  • Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Nguyên nhân tai nạn thương tích thường gặp là đuối nước, ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngạt;
  • Đối với trẻ 1-4 tuổi:  Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu, tiếp theo là bỏng, các nguyên nhân thường gặp khác như ngã, tai nạn giao thông, động vật cắn, ngộ độc cũng có thể gặp nhưng tỷ lệ không cao;
  • Đối với trẻ 5-9 tuổi: Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu, một số nguyên nhân hay gặp khác như: tai nạn giao thông, chấn thương do vật sắc nhọn và động vật tấn công. Những nguyên nhân ít gặp hơn như ngạt, ngã, ngộ độc, sét đánh;
  • Đối với trẻ 10-14 tuổi: Đuối nước và tai nạn giao thông là 2 nguyên nhân hàng đầu. Các nguyên nhân khác có tỷ lệ thấp hơn như đánh nhau, động vật tấn công, tự tử;
  • Đối với trẻ 15-19 tuổi: Tai nạn giao thông nổi lên như là nguyên nhân hàng đầu. Các nguyên nhân khác như: tự tử, đánh nhau, đuối nước.​

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ…; Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước; sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước.

Đồng thời, người lớn cần lưu ý đến trẻ khi ở khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông; cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót.

Quý Bình

Xem thêm: