Buýt nhanh BRT, đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đường cong 600m Nguyễn Đình Chiểu, đường vành đai 2,5 Đầm Hồng – Giải Phóng là những dự án giao thông gây thất vọng với người dân Thủ đô thời gian qua.

  1. Buýt nhanh (BRT) tăng nguy cơ ùn tắc giao thông?

Tuyến buýt nhanh (BRT) đầu tiên của Hà Nội chính thức hoạt động từ đầu năm nay được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thủ đô và khiến việc di chuyển của người dân được thuận tiện hơn. Tuy vậy, việc vận hành BRT đã cho thấy còn nhiều bất cập.

brt hanoi
BRT Hà Nội (Ảnh: Facebook BRT Hanoi)

Tuyến BRT số 1 với lộ trình từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa đi qua nhiều khu cao ốc văn phòng, chung cư. Đây là tuyến đường không có nhiều đối tượng phù hợp để sử dụng xe buýt. Hơn nữa, việc các nhà chờ được thiết kế giữa đường cũng gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận loại phương tiện này.

Với mật độ giao thông dày đặc tại Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, trong khi lòng đường chật hẹp, việc dành riêng một làn cho xe buýt BRT khiến giao thông tại những tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm. Khi đó, bất chấp luật giao thông, nhiều xe máy và ô tô đành “cực chẳng đã” phải đi vào làn đường cho BRT.

Mặc dù sau đó, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chức năng thí điểm cho xe ô tô buýt thường được chạy vào làn đường xe BRT, nhưng cũng chỉ là 1 biện pháp “chữa cháy” chưa triệt để.

Nên chăng để tăng lượng khách và phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, đơn vị quản lý cần sớm tính toán, xây dựng thêm lộ trình xuất phát từ các nhánh rẽ nhà chờ để đi thêm ra các nơi có nhiều người dân sinh sống và có nhiều trường học.

  1. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: sự chờ đợi chưa có hồi kết

Vừa qua, Tổng thầu xây dựng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đề xuất lùi kế hoạch chạy thử từ tháng 10/2017 sang tháng 9/2018, tức chậm hơn 11 tháng so với kế hoạch vừa được điều chỉnh hồi tháng 2/2017. Đây đã là lần trì hoãn chạy thử thứ 4, khiến người dân chán ngán và bức xúc không biết khi nào thì dự án này mới hoàn thành.

Tuyến Metro Hà Nội
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh dẫn qua vi.wikipedia.org)

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD đã lên tới 868,04 triệu USD, đội vốn hơn 300 triệu USD. Cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đang “bất lực” trước sự cố tình giải ngân chậm của đối tác.

Hiện tại, chỉ tính riêng tổng vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tương đương 14.718 tỷ đồng) với lãi suất là 3%/năm, tức mỗi năm dự án phải trả khoảng 442 tỷ đồng tiền lãi – tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày.

Người dân thủ đô đã chờ đợi tuyến đường sắt này trong cả một thập niên, và với sự trì hoãn lần này, nhiều người đã không còn lạc quan về việc năm sau dự án này sẽ hoàn tất.

>> Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Tiếp tục lùi tiến độ 11 tháng

  1. Đường vành đai Đầm Hồng – Giải Phóng: 15 năm chưa xong giải phóng mặt bằng con đường trị giá 600 tỷ/km

Năm 2002, nhằm giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông ở khu vực Linh Đàm, UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng – Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai).

Screen Shot 2017 12 12 at 5.19.46 PM
Bản đồ vị trí tuyến đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng đến Giải Phóng (Ảnh qua Google map)

Tuyến đường có chiều dài 2,1km với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Như vậy mỗi km đường tương đương khoảng 600 tỷ đồng.

Đoạn từ cầu sông Tô Lịch đến đường Giải Phóng dài khoảng 600m, sau gần 15 năm khởi động, đến nay phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng. Theo phương án mở đường, quận Hoàng Mai sẽ có 557 hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ xây dựng tuyến đường, nhưng đến nay mới chỉ chi trả tiền đền bù GPMB cho 269 hộ, phần còn lại hoặc chưa nhận tiền hoặc chưa có phương án giải quyết thấu đáo nên người dân chưa đồng thuận.

Lãnh đạo Ban GPMB quận Hoàng Mai cho biết, đến nay quận đã phê duyệt, đền bù và giải phóng được trên 40.000 m2 trong tổng số diện tích thu hồi, phần còn lại chưa giải phóng được là do các hộ dân có đơn thư kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chốt tiến độ phải hoàn thành dự án trong năm 2017.

  1. Đường cong Nguyễn Đình Chiểu dài 600m: 17 năm chưa hoàn thành

Screen Shot 2017 12 12 at 5.32.32 PM
Đường Nguyễn Đình Chiểu nhìn từ trên cao (Ảnh chụp từ clip)

Dự án đường Nguyễn Đình Chiểu nối với đường Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2000. Sau ít nhất ba lần thay đổi điều chỉnh quy hoạch, dự án bị treo đến tháng 10/2016 mới được khởi công.

Tuyến đường dài 600m, mặt cắt ngang 17m, có hai làn xe (mỗi làn rộng 3,5m), hiện đã cơ bản hoàn thành được khoảng 400m thuộc đoạn nối với đường Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, đoạn cuối của dự án nối với đường Nguyễn Đình Chiểu cũ dài khoảng 200m vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng do còn một vài hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù và nhà tái định cư.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: