Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Khu vực miền Bắc có số ca mắc tăng 404% (tăng 2.163 ca), miền Nam tăng 22,8% (1.939 ca) so với cùng kỳ năm 2016.

sot xuat huyet tang 400% tai mien bac trong nua dau nam 2017
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao tại khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Khu vực miền Bắc có số ca mắc tăng 404% (tăng 2.163 ca), miền Nam tăng 22,8% (1.939 ca).

Một số tỉnh thành có số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện tích lũy đến nay tăng cao như: TP.HCM (hơn 8.000 ca), Đà Nẵng (4.059 ca), Bình Dương (3.265), Hà Nội (gần 3.000 ca), An Giang (hơn 2.000 ca,…)

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, nửa đầu năm 2017, thành phố đã ghi nhận 2.898 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trên 92% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 231 bệnh nhân đang điều trị), trong đó có 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa).

Sở Y tế Hà Nội cho hay bệnh nhân nhập viện rải rác từ tháng 1 đến tháng 6, nhưng có xu hướng tăng từ đầu tháng 5 đến nay, sớm hơn chu kỳ dịch 3 tháng. Bệnh nhân rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 304 xã, phường, thị trấn (chiếm 52% số xã, phường, thị trấn của thành phố), nhưng chủ yếu tại các quận nội thành và các huyện như: Thanh Trì, Thường Tín (chiếm hơn 90% số bệnh nhân). Số ca mắc ghi nhận chủ yếu tại các quận: Đống Đa (758 ca), Hoàng Mai (583 ca), Hai Bà Trưng (206 ca), Hà Đông (168 ca), Thanh Trì (168 ca), Ba Đình (147 ca).

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 trường hợp khám nghi ngờ và mắc sốt xuất huyết. Hiện tại, khoa truyền nhiễm của bệnh viện có gần 30 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết.

Ông Đặng Quang Tấn –  Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nguyên nhân khiến sốt xuất huyết gia tăng trong năm 2017 là do khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm nên đàn muỗi có điều kiện phát triển. Cùng với đó, sự cố bục đường ống dẫn nước từ sông Đà khiến người dân tăng dự trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng phát triển.

Các công trình xây dựng đang thực hiện trong khu vực dân cư cùng với điều kiện vệ sinh tại khu nhà trọ của công nhân lao động kém cũng là nguy cơ cho loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Cũng theo ông Tấn, hiện tại sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để phòng sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp:

  1. Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  2. Diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.
  4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  6. Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Trần Tâm

Xem thêm: