Đây là đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

de xuat phat toi da 200 trieu dong doi voi vi pham ve an toan thuc pham
Theo dự thảo nghị định mới, sử dụng thịt, sản phẩm từ động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh… có thể bị phạt từ 70-100 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Theo dự thảo, vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu; vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, trừ một số trường hợp quy định.

Ngoài ra, phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Dự thảo nêu rõ mức xử phạt đối với các hành vi cụ thể. Phạt tiền từ 70 – 100 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi sau:

  • Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
  • Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm;
  • Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng.

Sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm: Phạt tiền bằng 100 – 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm (số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng).

Nếu tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm với hàm lượng vượt quá mức quy định cho phép: phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng; tăng cường vi chất dinh dưỡng không thuộc danh mục theo quy định: phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu thực phẩm thuộc diện bắt buộc tăng cường nhưng không tăng cường vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Nếu được thông qua, dự kiến nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2017, thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.

Nguyễn Quân

Xem thêm: