Đề nghị công khai thông tin về buổi đối thoại giữa Chủ tịch TP Hà Nội với ngưởi dân Đồng Tâm ngày 22/4 được một số ĐHQH đưa ra do tính nghiêm túc của những bất cập về luật đất đai và cách giải quyết yếu kém từ phía chính quyền.

vu xa dong tam
Ông Lê Đình Kình (82 tuổi, ngụ thôn Hoành, xã Đồng Tâm), người đứng đơn khiếu kiện, đang nói về phần đất của người dân xã Đồng Tâm trong diện tích đất gây tranh chấp tại khu vực đồng Sênh, với đại diện của bên quân đội. (Ảnh chụp video/Youtube)

Tại phiên thảo luận tổ ở tổ về kinh tế xã hội chiều 25/5, nhiều đại biểu cho rằng vụ việc tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội) cho thấy có những bất cập trong chính sách đất đai, đặt ra yêu cầu cần thiết phải minh bạch thông tin để các ĐBQH nhìn nhận được đa chiều, toàn diện.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – một trong số các ĐBQH trực tiếp xuống Đồng Tâm, dự cuộc đối thoại và ký làm chứng trong bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với người dân Đồng Tâm, cho hay ông đã đề nghị với Thủ tướng bóc băng toàn bộ cuộc đối thoại ở Đồng Tâm để ĐBQH có cái nhìn đa chiều, toàn diện về vụ này, không chỉ là cung cấp những báo cáo thông thường. Với tư cách cá nhân, ông Nhưỡng cho hay sẽ “luôn theo dõi sát vụ này“.

Cũng là người tham dự buổi đối thoại và ký làm chứng bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với người dân Đồng Tâm hôm 22/4, đại biểu Dương Trung Quốc nói đã đến lúc phải làm rõ, minh bạch các vấn đề liên quan, giữa đất quốc phòng với đất của địa phương.

Ông Quốc khẳng định điều này là quan trọng vì “ngày hôm nay thì bảo rằng làm công trình công cộng, công trình quan trọng của nhà nước, sau đó lại biến thành mặt bằng làm bất động sản tư nhân“, như vậy sự việc đất đai sẽ ngày càng phức tạp nếu không có một giải pháp căn cơ và tìm được sự đồng thuận của người dân cũng như của các nhà đầu tư.

ĐB Lê Thanh Vân, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận định vụ việc Đồng Tâm có 2 nguyên nhân chính là do những bất cập của luật đất đai chậm sửa đổi và chính quyền cơ sở không tổ chức đối thoại với dân, dẫn đến khiến khiếu kiện vượt cấp kéo dài.

Chúng ta duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng phải phân loại ra: đất quốc phòng, đất nào đất công cộng, có chế độ pháp lý riêng, còn lại là đất phục vụ cho các mục tiêu kinh tế có giá trị lợi nhuận thì phải sòng phẳng theo cơ chế thị trường. Nhưng hiện nay chúng ta đang trao quyền sở hữu đất đai từ toàn dân sang nhà nước, mà nhà nước là cơ quan cụ thể, trong đó có cá nhân cụ thể, cá nhân đó nếu động cơ không trong sáng thì dễ có chuyện trục lợi, đội giá đất ở những vị trí vàng”, ông này cho hay.

Theo đó, ông Vân đề nghị cần phải xây dựng thị trường về chuyển nhượng đất. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành quy chế mẫu, yêu cầu người đứng đầu phải định kỳ đối thoại với dân, giải quyết các vấn đề trong chính sách điều hành để “không xảy ra những bức xúc lớn, gây bất ổn xã hội“.

Liên quan tới những kiến nghị lâu dài của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) về việc hoàn trả, bồi thường đất tại khu vực đồng Sênh, ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án hình sự về hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 15/4, 4 người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) bị bắt bất ngờ gần đồng Sênh. Cùng ngày, người dân giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động.

7 ngày sau, những người bị giữ cuối cùng được người dân thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân tại xã Đồng Tâm, ký cam kết thực hiện 3 điều: làm rõ đất tại khu vực đồng Sênh – đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp; không truy cứu hình sự với toàn thể người dân xã Đồng Tâm; điều tra, xử lý đúng việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình vào ngày 15/4.

Xuân Tường

Xem thêm: