Theo báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại trong cơn bão số 10, tính đến 17h ngày 15/9, các tỉnh thành đã ghi nhận 4 người chết (Thanh Hóa: 1 người; Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 1 người; Thừa Thiên – Huế: 1 người); 8 người bị thương tại Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế; thiệt hại về tài sản tiếp tục được thống kê.

bao so 10 2

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 14/9 đến 13h ngày 15/9, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Tuyên Hóa (Quảng Bình): 345 mm; Đồng Tâm (Quảng Bình): 358 mm; Gia Vòng (Quảng Trị): 358 mm; Nam Đông (Thừa Thiên – Huế): 291 mm,…

Theo báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại trong cơn bão, tính đến 17h ngày 15/9, các tỉnh thành đã ghi nhận 4 người chết (Thanh Hóa: 1 người; Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 1 người; Thừa Thiên – Huế: 1 người); 8 người bị thương tại Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế.

Ghi nhận về thiệt hại tài sản, các địa phương có 19 ngôi nhà bị sập (Quảng Bình: 13 nhà; Quảng Trị: 5 nhà; Thừa Thiên – Huế: 1 nhà); hơn 5.000 ngôi nhà bị ngập (Hà Tĩnh: 3.989 nhà; Quảng Bình: 1.500 nhà); hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái và nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng hiện chưa có số liệu thống kê.

Bão số 10 cũng làm 4 tàu bị chìm ở Quảng Ngãi; 5 ghe máy bị chìm ở Thừa Thiên – Huế; hơn 1.000 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng, khiến hơn 1.300.000 khách hàng bị mất điện.

Bão số 10 cũng ảnh hưởng lớn đến giao thông đường sắt khi Tổng Cty Đường sắt Việt Nam phải phong tỏa gần 30 điểm thuộc 18 khu gian trên tuyến đường sắt Thống Nhất do cây đổ, cáp điện lực bị đứt vào đường sắt và đường ray bị ngập.

Để đảm bảo an toàn cho hành khách, hàng hóa, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đã cho dừng 7 đoàn tàu khách và tất cả các đoàn tàu hàng để tránh đi vào vùng tâm bão.

Ghi nhận tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) – nơi tâm bão đi qua, hàng ngàn người dân không thể về nhà do nhà bị sập, tốc mái. Tính đến 17h30 ngày 15/9, toàn huyện có gần 17.000 ngôi nhà bị tốc mái; 13 nhà sập hoàn toàn; 1.300 nhà bị ngập nước; toàn bộ các công trình, trụ sở tại khu vực huyện bị hư hại nghiêm trọng; hơn 200 tàu công suất nhỏ bị nhấn chìm; hệ thống thông tin, điện lực bị tê liệt.

Tại Nghệ An, trước khi bão số 10 đổ bộ, hơn 4.000 hộ dân với hơn 17.000 nhân khẩu tại TP. Vinh, các huyện ven biển và miền núi đã di dời đến nơi an toàn.

Tính đến 14h ngày 15/9, đã có hơn 100 ki ốt của người dân tại thị xã Cửa Lò bị sập, nước biển xâm nhập gần 1 km vào thị xã.

Tại huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu, thủy triều dâng cao khiến hàng trăm hecta tôm bị ngập nặng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Tại Hà Tĩnh, 3.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100 ha mặn lợ (800 ha tôm và 300 ha nhuyễn thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn; đặc biệt, khoảng 60 tấn tôm của Công ty Graumet ở xã Kỳ Phương đã đến kỳ thu hoạch những chưa thu hoạch kịp bị thiệt hại nặng.

Gần 1.000 ha lúa mùa, nhiều diện tích rau màu bị ngập, hư hỏng; khoảng 8.000 ha cây ăn quả bị hư hại, trong đó có 2.000 ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000 ha cam.

Theo thống kê, tỉnh Hà tĩnh có khoảng 63.000 nhà dân bị đổ, tốc mái; trong đó nhiều nhất là tại thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên; 29 thôn với gần 4.700 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông bị ngập; nhiều công trình trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông, thủy lợi,… bị hư hỏng nặng.

Tại Thừa Thiên – Huế, gần 608 nhà bị tốc mái hoàn toàn và tốc mái một phần. Trong đó, nặng nhất là thị xã Hương Thủy với 439 nhà và huyện A Lưới với 115 nhà. Toàn tỉnh đã di dời 410 hộ dân với hơn 1.400 nhân khẩu.

Tại huyện A Lưới, khoảng 35 ha cây keo gãy đổ, mức độ thiệt hại 15% tại các xã Đông Sơn, A Đớt, Hương Lâm và mưa lũ cuốn trôi hoàn toàn công trình thủy lợi A Roàng 2. Mưa lớn cũng làm hàng trăm ha hoa màu, lúa ở các địa phương bị ngập úng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét trên các sông suối nhỏ tại vùng núi các tỉnh trên, đặc biệt là các huyện: Thạch Thành, Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa – nguy cơ cao);  Kỳ Sơn, Quỳ Châu (Nghệ An – nguy cơ cao); Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Minh Hợp (T/h)