UBND TP. Hà Nội vừa ra văn bản về kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố năm 2017. Bản kế hoạch xử lý tệ nạn xã hội sẽ không bị dư luận bàn nhiều đến thế nếu những con số không mang hơi hướng của “nền kinh tế kế hoạch hóa”: đặt chỉ tiêu triệt xóa 200 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm, xử phạt 500 lượt người bán dâm. 

500 lượt người bán dâm
Ảnh trong triển lãm “Cuộc đời tôi, ước mơ tôi”. Cuộc triển lãm gồm các bức ảnh do các nữ lao động tình dục tự chụp để nói nên suy nghĩ về công việc, cuộc sống xung quanh mình. (Ảnh: T.L/dẫn qua motthegioi.vn)

Chỉ xử phạt người bán dâm, không xử phạt người mua dâm?

Theo bản kế hoạch, chỉ có người bán dâm bị đặt ra như một đối tượng cần nhắm đến, trong khi hành vi mại dâm chỉ xảy ra khi có đủ cả hai đối tượng mua dâm và bán dâm. Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 cho biết: “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm”. Theo đó, việc phòng, chống mại dâm cần đặt ra đối với cả hai chiều người mua dâm và người bán dâm.

Trên các văn bản pháp luật, người bán dâm phải chịu mức xử lý bằng trách nhiệm hành chính, hình sự nhẹ hơn nhiều so với người mua dâm. Theo Điều 23, Nghị định 167/2013, người bán dâm bị xử phạt từ 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm và từ 300.000 – 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc. Người bán dâm chỉ bị xử lý hình sự khi biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn cố ý lây truyền bệnh cho người khác.

Còn hành vi mua dâm bị xử phạt hành chính từ 500.000 – 1 triệu đồng; hành vi mua dâm nhiều người cùng một lúc phạt từ 2-5 triệu đồng; hành vi lôi kéo người khác cùng mua dâm phạt từ 5-10 triệu đồng (Điều 22, Nghị định 167/2013).

Hành vi mua dâm bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện với người chưa thành niên (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi); hành vi dù mua dâm nhưng với đối tượng từ 13 đến dưới 16 tuổi thuộc tội danh “Giao cấu với người trẻ em” và dưới 13 tuổi thì thuộc tội “Hiếp dâm”; hành vi mua dâm nhằm lan truyền HIV.

Tuy nhiên, trên thực tế, người bán dâm rõ ràng phải chịu bất công lớn hơn nhiều trước những tổn thất về nhân phẩm, danh dự so với đối tượng còn lại.

Điều 22, Nghị định 187/2004 quy định người mua dâm là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước hoặc thuộc lực lượng vũ trang thì cơ quan xử lý phải thông báo cho người đứng đầu cơ quan chủ quản để xem xét và quyết định hình thức kỷ luật. Nhưng qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng chống mại dâm tại Hà Nội thì không xử lý trường hợp nào theo hình thức “nêu tên” trên.

Còn đối với người bán dâm, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết không có quy định nào cho phép công khai người bán dâm. Thậm chí, theo kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được công bố (từ 16/7/2012), người bán dâm không còn bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Thế nhưng trong hầu hết các vụ án lớn về mại dâm, chân dung, thân thế của người bán dâm không được các cơ quan chức năng hạn chế. Thay vào đó, chúng được đưa công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngay cả khi danh tính người mua dâm cũng được công khai, thì người bán dâm vẫn phải hứng chịu những khinh miệt nặng nề từ dư luận, trong khi người mua dâm dễ dàng được chấp nhận, bỏ qua do có địa vị xã hội, có khả năng thao túng dư luận, hay do tư tưởng trọng nam khinh nữ sai lệch.v.v…

Lạ lùng chỉ tiêu phạt 500 lượt bán dâm

Một trong những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đã được đưa vào luật là: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Điều này có nghĩa khi chưa xảy ra hành vi vi phạm thì không tồn tại đối tượng xử phạt, lại càng không thể đưa ra được con số chính xác về đối tượng sẽ vi phạm cần phải xử phạt.

Việc đặt ra chỉ tiêu triệt xóa 200 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm, xử phạt 500 lượt người bán dâm do đó gây nên phản ứng trong dư luận. Vì lâu nay hoạt động mại dâm vẫn được xem là hoạt động “nhạy cảm”, chưa kiểm soát được cụ thể tình hình thì việc đặt ra chỉ tiêu dựa trên cơ sở nào?

Ngoài ra, đối với việc xử phạt tệ nạn xã hội thì con số vi phạm càng giảm càng tốt, việc đặt ra chi tiêu phải chăng là phải bắt buộc “tạo” ra đủ con số ấy, cho “đạt” chỉ tiêu? Điều này dẫn tới nhiều ý kiến cho rằng phương hướng giải quyết vấn đề mang tính kế hoạch, nặng hình thức trong khi gốc rễ vấn đề không được đề cập xử lý.

Cũng theo bản kế hoạch, chỉ tiêu hỗ trợ tín dụng cho người bán dâm giúp họ ổn định cuộc sống, không tái vi phạm hành vi bán dâm được đề cập tới, nhưng chỉ là 5 người.

Mức độ chênh lệch giữa chỉ tiêu xử phạt và chỉ tiêu hỗ trợ là 100 lần. Giữa 500 lượt người bị xử phạt vì bán dâm và 5 người được hỗ trợ để trở về với cuộc sống, đối với một thành phố, trong vòng một năm, những con số này liệu có thực sự sẽ giúp thay đổi được nhận thức về tệ nạn mại dâm trên toàn thành phố?

Tóm lại, việc đặt chỉ tiêu xử phạt người bán dâm nhưng thiếu hình thức xử phạt đối với người mua dâm khiến bản kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2017 của TP Hà Nội đi ngược lại chính tinh thần của mục tiêu phòng và chống mại dâm. Việc đưa ra con số chỉ tiêu không kèm theo số liệu điều tra tổng quan cũng đi ngược lại logic về quy trình phát hiện, xử lý và xử phạt hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối với lĩnh vực nhạy cảm như phòng chống nạn mại dâm thì việc đặt chỉ tiêu thiếu cơ sở như trên còn liên quan tới việc thiếu tôn trọng về danh dự và quyền con người.

Lê Trai

Xem thêm: