Khu du lịch thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) với diện tích 1.000 ha sẽ được quy hoạch thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với số lượt khách dự kiến khoảng 750.000 vào năm 2020 và 1.200.000 lượt khách vào năm 2030.

thac ban gioc
Thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch. (Ảnh: qua baocaobang.vn)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 485/QĐ-TTg về việc “Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc” với tỷ lệ 1/5.000 và “Quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc” với tỷ lệ 1/500.

Theo đó, Khu du lịch thác Bản Giốc sẽ được quy hoạch để trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng và của Quốc gia.

Dự án có phạm vi quy hoạch chung xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc là 1.000 ha; phạm vi quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc là 156,7 ha.

Theo dự báo, đến năm 2020, sẽ có khoảng 750.000 lượt khách du lịch đến đây; tổng số buồng phòng phục vụ nhu cầu lưu trú khoảng 1.010 phòng. Đến năm 2030, khách du lịch sẽ có khoảng 1.200.000 lượt, với tổng số buồng phòng phục vụ nhu cầu lưu trú khoảng 1.750 phòng.

Toàn bộ phần không gian khu du lịch thác Bản Giốc được hình thành bởi các yếu tố thác nước, sông Quây Sơn, hệ thống đồi núi tự nhiên, các bản làng và hệ thống giao thông.

Với diện tích 1.000 ha, theo quy hoạch chung, toàn bộ khu du lịch Bản Giốc được chia thành 3 vùng phát triển bao gồm:

Vùng 1 – Vùng kiểm soát nghiêm ngặt: có tổng diện tích 658 ha, bao gồm: Vùng dọc theo hành lang thoát lũ của dòng sông Quây Sơn (150 ha); vùng cảnh quan khu vực thác Bản Giốc (20 ha); vùng cảnh quan động Ngườm Ngao (13 ha); vùng trong phạm vi cấm xây dựng theo Luật Biên giới Quốc gia, Hiệp định biên giới đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc và vùng đồi núi cao có cốt cao độ từ +450m trở lên (475 ha). Vùng 1 sẽ không được phép xây dựng các công trình trong hành lang thoát lũ sông Quây Sơn và trong phạm vi cốt cao độ +450m.

Vùng 2 – Vùng hạn chế phát triển: Tổng diện tích 160 ha, bao gồm: Vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp dọc theo bờ sông Quây Sơn và vùng đồng ruộng bậc thang tại các triền, các thung lũng (85 ha); vùng địa hình, địa chất phức tạp có cao độ từ +(365 ÷ 450)m, độ dốc từ 10÷30% (72 ha) và vùng đã xây dựng công trình văn hóa tâm linh (3 ha). Trong khu vực này không xây dựng tập trung, chỉ xây dựng các công trình phục vụ du lịch, dịch vụ và văn hóa tâm linh.

Vùng 3 – Vùng khuyến khích phát triển: Tổng diện tích 182 ha, là các vùng không gian thuận lợi về điều kiện tự nhiên, có quỹ đất thuận lợi để xây dựng. Khu vực này hạn chế xây dựng tập trung, khuyến khích xây dựng công trình với kiến trúc bản địa, hài hòa với thiên nhiên.

Toàn bộ khu vực du lịch Bản Giốc được tổ chức theo 3 hướng vào chính. Cụ thể:

  • Hướng số 1: Từ phía Tây Nam theo tuyến đường tỉnh 206 vào Khu du lịch – Tạo không gian mở bằng cây xanh, vườn hoa, tạo ra hướng nhìn thông thoáng về các phía, đặc biệt là cảnh quan dòng sông Quây Sơn.
  • Hướng số 2: Từ phía Đông theo hướng đường tỉnh 206 vào Khu du lịch – Bảo tồn cấu trúc đặc trưng của địa hình đồi núi, không xây dựng các công trình hạn chế tầm nhìn, các không gian cảnh quan tự nhiên và Thác nước.
  • Hướng số 3: Tại mốc 835 vào Khu du lịch – Tạo không gian mở ra hướng cột mốc và dòng sông Quây Sơn cùng với cụm công trình nhà dịch vụ, điều hành, chợ đường biên đảm bảo không gian cây xanh xung quanh và xây dựng thấp tầng.

Đối với quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc có diện tích 157,6 ha, khu trung tâm du lịch sẽ được tổ chức thành 4 khu gồm: Khu vực cảnh quan thác Bản Giốc (20 ha); Khu vực cảnh quan dọc theo sông Quây Sơn (22 ha); Khu vực cảnh quan hệ sinh thái lâm nghiệp, đồi núi (35 ha); Khu vực cảnh quan sinh thái nông nghiệp (31 ha). Ngoài ra, còn có các công trình xây dựng như: công trình khách sạn, dịch vụ (khoảng 10,3 ha); khu nghỉ dưỡng (khoảng 2,7 ha),…

Trong 4 khu vực trên, khu vực cảnh quan thác Bản Giốc được chia làm 2 khu vực:

  • Khu vực cảnh quan phía đỉnh thác có quy mô khoảng 6 ha sẽ bảo tồn nguyên trạng cảnh quan tự nhiên, nghiêm cấm mọi hoạt động làm thay đổi cảnh quan thác nước hiện có, nghiêm cấm phá hủy thảm thực vật đặc trưng;
  • Khu vực cảnh quan chân Thác Bản Giốc có quy mô khoảng 14 ha sẽ bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị không gian cảnh quan tự nhiên. Gìn giữ các thảm thực vật có giá trị như khu vực cánh đồng lúa, khu vực đồi thông sát bờ sông Quây Sơn,…

Minh Long

Xem thêm: