Theo nhóm nghiên cứu Nhật Bản, dự án nối dài tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên về tới Bình Dương, Đồng Nai cần đến tổng chi phí khoảng 21.234 tỷ đồng.

tuyen metro so 1 ben thanh suoi tien ve binh duong dong nai 2
Tuyến metro số 1. (Ảnh: qua llgroup.vn)

Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được khởi công vào tháng 8/2012, là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị của TP.HCM theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Tuyến có tổng mức đầu tư 2,49 tỷ USD do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng của TP.HCM.

Với chiều dài khoảng 19,7 km, tuyến có 2,6km chiều dài đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km đi trên cao (11 nhà ga).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, về phương án kéo dài tuyến Metro số 1 TP.HCM (giai đoạn 1), nhóm nghiên cứu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết dự án kéo dài tuyến Metro số 1 được chia làm 3 tiểu dự án gồm:

  • Đoạn kéo dài khoảng 2km từ ga Suối Tiên đến ga nút giao;
  • Đoạn kéo dài khoảng 6km từ ga nút giao đến thị xã Dĩ An (Bình Dương);
  • Và đoạn kéo dài khoảng 8km từ ga nút giao đến TP. Biên Hòa (Đồng Nai).

Nhóm nghiên cứu đề xuất thực hiện dự án theo hai giai đoạn, trong đó:

Giai đoạn 1: thực hiện đoạn kéo dài 2km từ ga Suối Tiên đến ga nút giao (xây dựng, kiến trúc hệ thống đường sắt), điều chỉnh hạ tầng hiện tại của tuyến Metro số 1 cho phù hợp và trong sân ga Suối Tiên, xây dựng quảng trường nhà ga và các công trình phục vụ kết nối đa phương tiện tại nhà ga nút giao;

Giai đoạn 2: thi công đoạn kéo dài từ ga nút giao đến Bình Dương và Đồng Nai, điều chỉnh hạ tầng đường sắt của tuyến Metro số 1 và mua thêm đầu máy.

Theo nhóm nghiên cứu, dự án có tổng chi phí khoảng 21.234 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có chi phí 2.315 tỷ, giai đoạn 2 có chi phí 18.919 tỷ đồng.

Chi phí phát triển quảng trường nhà ga và các công trình cho vận tải đa phương thức cho giai đoạn 1 và giai đoạn 2 ước tính khoảng 8.630 tỷ đồng và độc lập với chi phí trên.

Nhóm nghiên cứu cho hay, nếu giai đoạn 1 của dự án có thể được tiến hành sớm thì có thể tiết kiệm chi phí xây dựng của đoạn 2km kéo dài, giảm thiểu những rủi rõ về an toàn thi công và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tới quá trình thương mại của tuyến số 1, đồng thời, dự án có thể hiện thực hóa ý tưởng phát triển định hướng vận tải công cộng ở khu vực quanh nhà ga nút giao.

Ông Trần Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất phương án đề xuất đối với giai đoạn 1 của dự án. Về phối hợp giữa các địa phương thực hiện dự án, UBND TP.HCM sẽ chịu chi phí đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương và Đồng Nai có kế hoạch thu hồi đất và chịu chi phí giải tỏa đền bù.

Phương án đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 từ TP.HCM về Bình Dương và Đồng Nai được đưa ra trong bối cảnh dự án đang nợ nhà thầu thi công do việc sắp xếp phân bổ nguồn vốn ODA.

Tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4/2017 được tổ chức ngày 27/4, ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho hay hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang nợ nhà thầu thi công 1.339 tỷ đồng.

Ông Quang cho hay, vấn đề lớn nhất của dự án hiện nay là việc phân bổ nguồn vốn ODA từ trung ương. Theo ông Quang, từ tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp vì đã thanh toán vượt vốn ODA của năm 2016.

Trước Tết, thành phố đã ứng khoảng 900 tỷ đồng để chủ đầu tư trả tiền cho nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân về quê ăn tết. Đến nay, thành phố đang nợ nhà thầu 1.339 tỷ đồng.

Theo UBND thành phố, tổng vốn ODA cần có để thực hiện tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là hơn 5.400 tỷ đồng, tuy nhiên, trung ương chỉ phân bổ 2.100 tỷ – chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố.

Cùng với dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, tổng vốn ODA thành phố cần được bố trí  cho năm 2017 là 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến chỉ phân bổ 3.500 tỷ đồng. Do đó, dự án có khả năng bị chậm tiến độ do khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn ODA.

Kiến Huy

Xem thêm: