Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có lượng tàu cá và ngư dân bị bắt giữ nhiều nhất do khai thác hải sản trái phép, trong đó tập trung ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và phường 5 (TP. Vũng Tàu). Riêng trong năm 2017, lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận 423 ngư dân do phía Indonesia trao trả.

tau ca
Bà Rịa-Vũng Tàu cấm vĩnh viễn tàu cá tái phạm khi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. (Ảnh: Sơn Trà)

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm; tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước.

Tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm. Đối với chủ tàu có tàu vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hạn chế phát triển tàu vỏ gỗ trong thời gian tới (kể cả mua tàu vỏ gỗ ngoài tỉnh), chỉ giải quyết đóng mới tàu vỏ thép, composite có kích thước, công suất lớn, trang bị hiện đại để thay thế tàu cá giải bản hoặc các tàu hành nghề lưới kéo giải bản – để đóng tàu mới chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: lưới vây, câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.

Tỉnh cũng yêu cầu bắt buộc các tàu cá khai thác hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên (kể cả tàu dịch vụ hậu cần thủy sản) phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật Việt Nam; Không cấp, gia hạn giấy phép khai thác đối với những tàu cá chưa trang bị lắp thiết bị giám sát hành trình.

Đồng thời, yêu cầu các tàu cá khi hoạt động trên biển phải bật thiết bị thông tin liên lạc 24/24 giờ để cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, cảnh báo các phương tiện xâm phạm vùng biển các nước; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình tắt thiết bị thông tin liên lạc.

Đối với tàu cá phát hiện có dấu hiệu xâm phạm vùng biển nước ngoài kiên quyết không cho xuất bến và cấm hoạt động từ 3 – 6 tháng.

Thời gian qua, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có lượng tàu cá và ngư dân vào các vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản và bị bắt giữ khá nhiều, trong đó tập trung ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và phường 5 (TP. Vũng Tàu).

Riêng trong năm 2017, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hai đợt tiếp nhận ngư dân do phía Indonesia trao trả, các ngư dân bị bắt giữ do vi phạm vùng biển của Indonesia trong khi đánh bắt hải sản. Cả hai đợt, số ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều đông nhất với 423 ngư dân.

Đợt thứ nhất vào ngày 11/6 với 695 ngư dân thuộc 9 tỉnh, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang được trở về nước. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều nhất với 311 ngư dân.

Đợt thứ hai vào ngày 6/10 với 239 ngư dân được trao trả về nước thuộc 6 tỉnh, trong đó: Khánh Hòa có 12 ngư dân, Bình Định có 45 ngư dân, Bà Rịa – Vũng Tàu có 112 ngư dân.

Văn Duy

Xem thêm: