Theo dự thảo “Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” vừa được Bộ Công an đề xuất, chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình.

ghi am ghi hinh
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Bộ Công an vừa công bố toàn văn dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị để lấy ý kiến.

Theo Bộ Công an, việc cần thiết ban hành Nghị định trên là do trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu.

Bộ Công an cho hay đã có nhiều trường hợp sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị được phát hiện; điển hình như: vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép người thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của công ty Việt Hồng bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật,…

Cũng theo Bộ Công an, đã có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng được xác định. Những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 19 điều được Bộ Công an đề xuất, các hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị bao gồm việc sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được cấp bởi Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng quân đội và cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.

Nghị định sẽ hạn chế hoạt động điều tra đặc thù của báo chí

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của dự thảo Nghị định là nội dung về nguyên tắc hoạt động và quản lý được quy định tại Điều 4. Trong đó, Khoản 3 Điều 4 ghi: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Khoản 6 Điều 5 của dự thảo Nghị định cũng nêu nghiêm cấm “sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”.

Nội dung này thu hút được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, tổ chức chuyên ngành và cộng đồng, đặc biệt là đối với hoạt động báo chí điều tra.

ghi am ghi hinh
Hình ảnh nhà báo Tuổi Trẻ bị hành hung trên cầu Nhật Tân (Hà Nội), ngày 23/9/2016 được ghi lại từ camera điện thoại. (Ảnh: M.C/tuoitre.vn)

Theo Luật Báo chí 2016, Điểm a, d Khoản 2 Điều 4 đã nêu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí:  “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”; “… đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Điều 9 của Luật Báo chí gồm 13 khoản cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với hoạt động nghề nghiệp đặc thù này, trong đó Khoản 5 có nêu hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung quy định tại dự thảo Nghị định của Bộ Công an được cho là sẽ hạn chế hoạt động điều tra độc lập của báo chí.

Điều 13 Luật Báo chí quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Nhiều hành vi sai trái trong lĩnh vực chống tham nhũng, hối lộ của cơ quan công quyền, các hoạt động buôn lậu, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm,… đã được các nhà báo, phóng viên bí mật điều tra, thu thập chứng cứ. Việc hạn chế quyền điều tra độc lập của báo chí theo nội dung quy định của dự thảo Nghị định của Bộ Công an sẽ khiến báo chí khó có thể thực hiện nhiệm vụ phát hiện và chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Lưu Giang – Trần Tâm

Xem thêm: