Tạm dừng thu phí 1-2 tháng để xem xét các vấn đề liên quan và đề xuất phương án – là quyết định do Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau 5 ngày như trên chảo lửa tại trạm BOT Cai Lậy. Đây là phương án hay kế hoãn binh?

bot cai lay sau 30 ngay chinh phu chon ve phia ai
Xe trọng tải trên 18 tấn phải trả 140.000 đồng/lượt (trước đó là 180.000 đồng/lượt) phí BOT ngay trên quốc lộ, dù không đi qua tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang). (Hình ảnh từ video)

Dù là giãn thời gian trả lời, sau 30 ngày, Chính phủ vẫn cần đưa ra câu trả lời về BOT Cai Lậy.

Nếu Chính phủ hiểu người dân chấp nhận chờ 30 ngày vì họ muốn có một đáp án hợp lý, thì việc chuyển trạm thu phí về tuyến tránh và trích ngân sách từ Quỹ bảo trì đường bộ để trả 300 tỷ  “tăng cường mặt đường” quốc lộ cho nhà đầu tư là giải pháp toàn diện nhất cho cả 3 bên: Chính phủ có được niềm tin của người dân, nhà đầu tư thu hồi được vốn, và người dân được trả lại quyền đi lại trên quốc lộ.

Bộ trưởng Bộ GTVT đương nhiệm cần xử lý “khối u” BOT Cai Lậy mà ông đã tạo ra khi còn là Thứ trưởng. Giải quyết tốt BOT Cai Lậy sẽ giúp Bộ trưởng Thể được người dân tin tưởng, ủng hộ. Ngược lại, sự trì hoãn chỉ khiến nghi ngờ một bộ phận không nhỏ lãnh đạo cùng phe với các nhóm mua bán đặc quyền BOT được củng cố.

Nếu sự trì hoãn khiến BOT Cai Lậy “xuôi xuồng” như biệt phủ Yên Bái, “lật cờ” như Đồng Tâm, công khai hợp thức hóa như Formosa, điều Chính phủ thu lại sau 30 ngày là một ung mủ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Điều nguy hiểm hơn nữa là sức chịu đựng và niềm tin trong dân chúng một lần nữa tiếp tục bị bào mòn.

Với quyết định vào chiều 4/12, vụ việc được xử lý thế nào trở thành trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Xử lý ra sao, điều này thể hiện tầm vóc của một nhà lãnh đạo và điều quan trọng hơn là để biết, Chính phủ có chọn đứng về lẽ phải hay không.

Lê Trai

Xem thêm: