Quyết định về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển được ban hành từ cuối tháng 9, song tới cuối tháng 12, việc chi trả tiền bồi thường vẫn chưa xong đợt 1. 

Trong thảm họa ô nhiễm môi trường biển, ước tính 100 tấn cá chết, theo báo cáo của Chính phủ. Các chuyên gia cho hay, cần nửa thế kỷ hệ sinh thái biển mới hồi phục hoàn toàn. (Ảnh: FB Dương Phong)
Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính 100 tấn cá chết trong thảm họa ô nhiễm môi trường biển. Các chuyên gia cho hay, cần nửa thế kỷ hệ sinh thái biển mới hồi phục hoàn toàn. (Ảnh: FB Dương Phong)

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do môi trường biển bị ô nhiễm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đợt 1, chậm nhất phải hoàn thành xong trước Tết âm lịch và triển khai chi trả đợt 2.

Tuy nhiên, chưa có thông báo về thời điểm bắt đầu chi trả đợt 2.

Quyết định số 1880/QĐ-TTg quy định về hạn mức bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại sau thảm họa môi trường biển bị ô nhiễm do Formosa xả thải có hiệu lực từ ngày 29/9/2016, sau gần 5 tháng kể từ thời điểm phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt (6/4/2016).

Ngày 7/10, có văn bản từ Văn phòng Chính phủ về việc tạm cấp 3.000 tỷ đồng từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho 4 tỉnh miền Trung (chiếm 26% trong tổng số tiền bồi thường 11.500 tỷ đồng). Trong đó, Hà Tĩnh nhận 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên – Huế 400 tỷ đồng để tạm chi trả cho người dân 50% số tiền bồi thường thiệt hại.

Như vậy, tính từ thời điểm quyết định bồi thường có hiệu lực đến nay, đã gần 3 tháng đã trôi qua, việc chi trả tiền bồi thường cho người dân vẫn chưa hoàn thành xong đợt 1.

Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg, có 7 nhóm đối tượng được xác định bồi thường, gồm:

  1. Khai thác hải sản: chủ tàu và người lao động trên tàu, người lao động sống ven biển có thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển
  2. Nuôi trồng thủy sản: hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, người lao động làm thuê.
  3. Sản xuất muối
  4. Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển: chủ cơ sở và người lao động thu mua, sơ chế thủy sản, chế biến nước mắm, vận chuyển, bốc vác…
  5. Dịch vụ hậu cần nghề cá: người lao động làm thuê trong các cơ sở kinh doanh đá lạnh, đóng, sửa tàu thuyền, kinh doanh ngư cụ…
  6. Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển: người dân sống ven biển làm nghề có tính đơn giản: bán hàng, làm dịch vụ cho khách du lịch
  7. Thu mua, tạm trữ thủy sản: chủ cơ sở và người lao động

Mức bồi thường cao nhất 37,48 triệu đồng/tháng dành cho chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên; mức bồi thường thấp nhất 2,91 triệu đồng/người/tháng, dành cho lao động bị mất thu nhập.

Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, tính từ tháng 4/2016 tới hết tháng 9/2016.

Nguyễn Quân

Xem thêm: