Trong bối cảnh nền giáo dục – đào tạo quốc gia tồn tại rất nhiều bất cập, được giáo viên, học sinh và toàn xã hội quan tâm, sáng nay (16/11), phần đặt câu hỏi của các đại biểu và trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã “nóng” ngay từ đầu phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời trong phiên chất vấn sáng nay. (Ảnh chụp vieo)
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời trong phiên chất vấn sáng nay. (Ảnh chụp vieo)

Sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời trong phiên chất vấn tại Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2.

Đầu phiên làm việc, đã có 59 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng. Nhóm đại biểu đầu tiên quan tâm đến các nội dung: Kết quả của đề án ngoại ngữ 2020; Chất lượng sinh viên ra trường và đào tạo sau đại học; Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhóm dân tộc thiểu số; Việc phân luồng học sinh – sinh viên sau đại học; Ảnh hưởng của phương án thi trắc nghiệm trong kỳ thi quốc gia đối với việc dạy – học trong trường THPT;…

Với câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) về các mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đến nay có đạt mục tiêu không, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời thẳng thắn rằng đề án đã không đạt được mục tiêu.

Lý giải về việc thất bại của đề án, Bộ trưởng đưa ra các lý do:

Thứ nhất, việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài, liên quan đến rất nhiều các nhóm đối tượng khác nhau.

Thứ hai, để đạt được các mục tiêu như Đề án đưa ra cần phải có thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án, Bộ Giáo dục đã đưa ra lộ trình để thực hiện các mục tiêu này, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều vấn đề về thời gian, kinh phí,…

Theo Bộ trưởng, trên cơ sở đánh giá tính khả thi và bám sát các yếu tố thực hiện, Bộ đã tiến hành rà soát để điều chỉnh về cách tiếp cận và mục tiêu của đề án.

Cụ thể, đối với việc xác định cách tiếp cận đề án 2020, Bộ trưởng cho hay, không phải là đề án chịu trách nhiệm đào tạo toàn bộ các vấn đề về ngoại ngữ cho tất cả các nhóm đối tượng cần biết ngoại ngữ, như thế là không khả thi. Đề án tập trung vào những việc mà từng tổ chức, từng cá nhân khó làm. Bộ trưởng cho biết, đây là định hướng, có tính chất làm trục.

Theo Bộ trưởng, trong thực tế, việc chuẩn bị về giáo viên cho đề án chưa thực sự kỹ vào thời điểm ban hành, khiến các địa phương và các cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ ba, về phương thức tổ chức giảng dạy cho nhiều người được hưởng lợi, đặc biệt là vấn đề đào tạo suốt đời về ngoại ngữ, Bộ trưởng cho rằng, không nhất thiết phải có bằng cấp, ai cũng có thể tham gia học ngoại ngữ, trong đó có tiếng anh để mọi người đều có thể tham gia hội nhập.  Đề án không chỉ tập trung đào tạo cho những sinh viên mà cho cả xã hội để tạo ra một xã hội học tập về tiếng Anh.

Theo đó, Bộ Giáo dục tập trung vào việc thiết kế những chương trình học và phương thức đào tạo theo hướng trực tuyến từ xa; còn lại các địa phương, các cơ sở giáo dục và người dân cần chủ động.

Bộ trưởng cho hay, sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ những điều chỉnh của đề án này.

Mặc dù không đạt được các mục tiêu đề ra, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đề án 2020 trong thời gian đầu đã đạt được một số kết quả trong việc xây dựng khung 6 bậc châu Âu, các chương trình nội dung và việc thực hiện ở các địa phương. Qua đó, Bộ đã thay hình thức phân kinh phí cho các tỉnh, các địa phương bằng việc tập trung vào những việc liên quan đến chuyên môn, trên cơ sở đó, các địa phương có kế hoạch riêng.

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008 có mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam“.

Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Hải Linh

Xem thêm: