Theo Bộ TN&MT, vật chất được Bộ cho phép nhận chìm xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chứ không phải là chất thải trong quá trình sản xuất của công ty.

khu bao ton bien hon cau 2
Bộ TN&MT cho rằng việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát thải không ảnh hưởng nhiều tới Khu bảo tồn Hòn Cau. (Ảnh: FB Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau)

Chiều ngày 13/7, ông Phạm Ngọc Sơn – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) báo cáo trước HĐND tỉnh Bình Thuận về việc cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận.

Theo ông Sơn, vật chất nhận chìm đã được phân tích chất phóng xạ, chất độc đều không vượt quá tiêu chuẩn cho phép; việc cấp phép đúng thủ tục quy định và có chú trọng đến môi trường biển.

Vật chất nhận chìm được Bộ TN&MT cho phép bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chứ không phải là chất thải trong quá trình sản xuất của công ty.

Ông Sơn cho hay khu vực nhận chìm rộng 30 ha, cách khu bảo tồn biển Hòn Cau 8 km, nên giải pháp để bảo vệ môi trường đã được Bộ tính tới. Theo ông Sơn, việc để các chất này trên bờ sẽ khiến đất nhiễm mặn. “Chúng tôi đã lường trước tác động có thể xảy ra khi một lớp bùn cát phủ lên rạn san hô gây nước biển đục, nên khi thi công chúng ta cần giảm mức thấp nhất thiệt hại nếu có“, ông Sơn nói.

Trong khu vực nhận chìm, ông Sơn cho hay sẽ lắp đặt 13 điểm quan trắc nhằm giám sát, nắm bắt các thông số nền của biển và hóa chất khác trong nước khi thi công. Khi một trong 13 vị trí quan trắc phát hiện số liệu vượt ngưỡng thì chủ đầu tư phải dừng ngay.

Cùng với đó, Bộ sẽ giám sát theo giấy phép từ vị trí, chất nạo vét, khối lượng trên sà lan, đường đi…; UBND tỉnh Bình Thuận sẽ thành lập tổ giám sát đặc biệt, cùng với Viện Hải dương học Nha Trang giám sát độc lập.

khu bao ton bien hon cau 5
Hòn Cau – Bãi đẻ của loài rùa biển cần được bảo vệ. (Ảnh: FB Khu bảo tồn biển Hòn Cau)

Trước báo cáo của ông Sơn, ông Nguyễn Toàn Thiện – Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận cho rằng ông không tin tưởng các chỉ số quan trắc mà Bộ đưa ra. “Chúng ta cần phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Khi các chỉ số quan trắc phát hiện những điều bất thường, có nghĩa là đã có vấn đề đến môi trường. Và khi đã xảy ra rồi, chúng ta chưa biết là có khắc phục được hay không“, ông Thiện cho hay.

Trước đó, sáng ngày 7/7/2017, ông Nguyễn Linh Ngọc – Thứ trưởng Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về việc nhận chìm số bùn, cát trên. Sau khi nghe đại diện Bộ TN&MT trình bày kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển, ngày 11/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc gửi đến Bộ TN&MT kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát.

Cùng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc trước quyết định nhận chìm của Bộ TN&MT, 13 tổ chức xã hội đã có thư kiến nghị mong muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan 5 nội dung về việc cấp phép nhận chìm chất thải xuống biển Tuy Phong.

Theo bản kiến nghị, hiện tại, những thông tin từ các cơ quan chức năng về tác động của việc nhận chìm chất thải tới hệ sinh thái biển Bình Thuận, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như an sinh môi trường biển và sinh kế của ngư dân phụ thuộc vào hệ sinh thái này vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cũng như tin tưởng của công luận và các nhà khoa học.

Nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng như: mức độ tổn thương của hệ sinh thái vùng đổ thải, khả năng chịu tải của môi trường biển nơi này, tác động kinh tế – xã hội, phương pháp nhấn chìm, tính tin cậy của mô hình được sử dụng, ý kiến của các thành viên trong hội đồng thẩm định, các phương án thay thế, việc tiếp cận kết quả quan trắc, giám sát quá trình thực hiện, phương án đền bù, trách nhiệm giải trình của các bên liên quan,…

Theo các tổ chức, sự cố môi trường biển miền Trung đã trở thành một bài học đắt giá và đòi hỏi sự thận trọng đối với việc ra quyết định cũng như lựa chọn của Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”.

Trần Tâm

Xem thêm: