Sau hơn 1 năm thảm họa Formosa xả thải, Bộ TN&MT vừa công bố báo cáo kết quả quan trắc, giám sát và khẳng định môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (bao gồm nước biển và trầm tích biển) đã an toàn đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước.

cong bo hien trang moi truong bien 4 tinh mien trung sau tham hoa formosa anh minh hoa
Formosa xả thải tháng 4/2016 khiến ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Bộ TN&MT vừa công bố hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung sau hơn 1 năm xảy ra thảm họa môi trường Formosa.

Chất lượng môi trường biển ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và tắm biển, thể thao dưới nước

Bộ TN&MT cho hay ngay sau khi xảy ra vụ việc môi trường biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế vào tháng 4/2016, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện đánh giá toàn diện mức độ, phạm vi, diễn biến ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái biển và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Tới tháng 9/2016, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng và bảo tồn thủy sinh.

Từ tháng 9/2016 đến nay, 4 tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc, giám sát định kỳ chất lượng môi trường biển tại 19 bãi tắm của địa phương.

Từ ngày 4 đến ngày 9/5/2017, Bộ đã thực hiện chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh trên các tuyến khảo sát đã thực hiện năm 2016, tập trung vào các khu vực có vùng xoáy cục bộ, có khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn và khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn là: Sơn Dương, phía Đông cửa Nhật Lệ, Sơn Chà.

Kết quả từ các chương trình quan trắc tại 19 bãi tắm của 4 tỉnh từ tháng 9/2016 đến nay cho thấy chất lượng môi trường biển gồm nước biểntrầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước.

Cụ thể, đối với môi trường nước biển, Bộ TN&MT cho hay giá trị của các thông số đều năm trong giới hạn cho phép QCVN 10-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.

Đối với các thông số ô nhiễm trong thời gian xảy ra sự cố là tổng phenol và sắt (Fe), giá trị của các thông số này tại tất cả các điểm quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT và thấp hơn nhiều so với kết quả quan trắc năm 2016.

Tại một số khu vực có thông số tổng dầu mỡ khoáng có giá trị vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh. Các vị trí này chủ yếu tập trung tại vùng biển Vũng Áng – Hà Tĩnh, ven biển cửa Nhật Lệ – Quảng Bình.

Bộ TN&MT cho rằng kết quả này khá tương đồng với những đánh giá về chất lượng nước biển ven bờ của Việt Nam trong những năm gần đây, tại một số khu vực, nước biển ven bờ đã bị ô nhiễm dầu mỡ khoáng do hoạt động công nghiệp ven biển và hoạt động của các cảng biển, giao thông trên biển.

Đối với môi trường trầm tích biển, Bộ TN&MT cho biết toàn bộ các mẫu trầm tích biển trong chương trình quan trắc cho thấy tất cả các thông số đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 43-2012/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích.

Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT khẳng định: “Như vậy, sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, kết quả quan trắc, giám sát cho thấy đã ổn định, môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (bao gồm nước biển và trầm tích biển) đã an toàn đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước. Đặc biệt các thông số gây ô nhiễm trong thời gian xảy ra sự cố là tổng phenol và sắt đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT và thấp hơn rất nhiều so với kết quả quan trắc năm 2016”.

Để tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ, Bộ TN&MT đề nghị UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế phối hợp với Bộ giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển; đồng thời thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc về Bộ TN&MT để công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng.

hai san tang day 7
Báo cáo hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung của Bộ TN&MT chưa đưa ra các thông số chi tiết cụ thể về chất lượng môi trường biển. (Ảnh: 4 loài cá nằm trong danh sách 154 loài hải sản tầng đáy 4 tỉnh miền Trung khuyến cáo không nên ăn – tháng 9/2016).

Báo cáo hiện trạng hệ sinh vật tầng đáy tại khu vực biển nhiễm độc của nhóm nghiên cứu độc lập

Với mong muốn chia sẻ những kiến thức và đánh giá khoa học giúp sức cho cộng đồng, ngay sau khi thảm họa môi trường biển 4 tỉnh miền Trung xảy ra vào tháng 4/2016, nhiều cá nhân và cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước như: Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Viện Hải dương học, Đại học Khoa học Huế, Đại học Princeton, Đại học California, Đại học Arizona, Viện Scripps, Đại học Washington (Mỹ), Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc), Đại học UMT (Malaysia), Đại học Tohoku (Nhật Bản) cùng với nhiều tình nguyện viên đã thực hiện Dự án Phân tích độc lập ô nhiễm biển miền Trung (Generosity).

Dự án đã nhận được số tiền đóng góp 18.630 USD để tiến hành lấy mẫu, phân tích và xử lý số liệu. Các thành viên nghiên cứu đã tiến hành nhiều đợt lấy mẫu từ tháng 5 đến tháng 9/2016 tại nhiều địa điểm thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.

Sau khi mẫu được gửi đi các viện tại Việt Nam và Hàn Quốc, nhóm đã công bố kết quả phân tích mẫu sinh vật đáy được cập nhật ngày 16/2/2017. Theo đó, 7 khu vực được lựa chọn lấy mẫu khảo sát là: Cửa Tùng, Triệu Lăng, Vĩnh Thái (Quảng Trị); Ngư Thủy, Bố Trạch, Quảng Đông (Quảng Bình) và Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), trong đó có khảo sát và thu thập được mẫu tại 7 vị trí xung quanh mấy cống xả của Formosa.

ban do the hien cac vi tri lay mau
Bản đồ thể hiện vị trí lấy mẫu. (Generosity)

Báo cáo về kết quả phân tích, nhóm nghiên cứu cho hay do thời gian có hạn nên việc phân loại, xác định các sinh vật đáy được thực hiện đến mức độ nhóm mà không đi sâu được đến mức độ giống và loài. Các nhóm được xác định và đếm số lượng cá thể, trên cơ sở đó tính toán mật độ trên m2.

Trong các mẫu thu được, người phân tích nhận thấy loại vật chất dạng lơ lửng, màu vàng đến nâu (rất phổ biến trong lần thu thập mẫu trước đó) gần như không còn. Tuy nhiên, hầu hết các mẫu gần như bị xóa trắng hoàn toàn, không còn hoặc còn vô cùng ít sinh vật đáy.

Trên cơ sở dữ liệu mật độ các nhóm, kết hợp với các dữ liệu về đặc điểm trầm tích đáy, đặc điểm nền đáy, thủy triều, độ sâu nơi lấy mẫu, độ hạt trầm tích, các thành phần khác có trong mẫu,… người phân tích đã đưa ra kết luận về môi trường nơi mẫu được thu thập (vào thời điểm lấy mẫu và loại bỏ các sai số do các yếu tố tự nhiên gây nên).

Cụ thể, trong tổng số 45 mẫu phân tích, có 28 mẫu thể hiện môi trường có vấn đề, 6 mẫu môi trường OK và 11 mẫu còn lại có tập hợp sinh vật đáy nghèo nàn có thể do một (hoặc vài) nguyên nhân như đặc điểm tự nhiên (động lực dòng chảy, cạnh tranh nguồn thức ăn,…) và môi trường có vấn đề kết hợp với nhau. Với các mẫu kết luận môi trường có vấn đề, các quan sát thực tế dưới kính hiển vi cho thấy trong các mẫu này, sự có mặt của sinh vật đáy ở cả ba nhóm hyper-, epi- và infauna là rất hiếm hoi. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cụ thể đối với sức khỏe con người như thế nào thì cần có các nghiên cứu thêm. Nhóm nghiên cứu cho hay nguyên nhân gây nên hiện tượng này cũng không được thể hiện qua các kết quả cập nhật của nhóm vào tháng 2/2017.

hien trang moi truong bien 4 tinh mien trung sinh vat tang day 1
(Ghi chú: QB – Quảng Bình, QT – Quảng Trị. Nguồn: Generosity)

Sơ đồ so sánh kết quả phân tích sinh vật đáy giữa hai đợt khảo sát tháng 5/2016 và tháng 9/2016 theo hướng từ Bắc vào Nam, từ Quảng Đông (Quảng Bình) đến Cửa Tùng (Quảng Trị) cho thấy mật độ sinh vật đáy từ cùng khu vực khảo sát (các vị trí trong cùng khu vực biển Quảng Bình và Quảng Trị) đã rơi tự do chỉ sau 3,5 tháng (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9/2016).

hien trang moi truong bien 4 tinh mien trung sinh vat tang day 2
(Ghi chú: Vũng Áng (Hà Tĩnh), QĐ-Quảng Đông, BT-Bố Trạch, NT-Ngư Thủy (thuộc khu vực Quảng Bình); VT-Vĩnh Thái, TL-Triệu Lăng, CT-Cửa Tùng (thuộc khu vực Quảng Trị. Nguồn: Generosity).

Trên cơ sở phân tích về số lượng và sự đa dạng của sinh vật đáy qua hai lần lấy mẫu, nhóm đi đến kết luận nhiều vùng biển có số lượng và sự đa dạng của sinh vật đáy rất nghèo nàn, chứng tỏ hệ sinh thái biển khu vực này đã bị tổn thương và chưa phục hồi. Những vùng biển này cần được giữ sạch ở mức tối đa để hệ sinh thái được phục hồi. Nhóm cũng cho biết nếu có kinh phí, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá độc lập môi trường biển ở những vùng biển miền Trung đã bị ô nhiễm và có cá chết hàng loạt trong sự cố môi trường năm 2016.

Hải Linh (T/h)

Xem thêm: