Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 16h ngày 25/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ vĩ Bắc; 106,8 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9.

bao so 4 6
Chùm ảnh đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 15h ngày 25/7, bão số 4 đã đổ bộ vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão số 4, trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió bão cấp 8, giật cấp 10; Cửa Việt (Quảng Trị) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình gió giật cấp 7. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm.

Hồi 16h ngày 25/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ vĩ Bắc; 106,8 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Trong chiều tối và tối nay (25/7), vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị còn có gió giật mạnh cấp 6-7; sóng biển cao từ 2-3 m. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị cao từ 2-3 m. Trên đất liền khu vực Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; ở vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 4, trong đêm nay và ngày mai (26/7), khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to (phổ biến từ 150-250 mm cả đợt); khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến từ 50-100 mm cả đợt).

Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3 m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác; Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Là một trong những địa phương xác định chịu tác động trực tiếp của bão số 4, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh đã cấm biển từ 18 giờ hôm qua (24/7). Đến sáng nay (25/7), Hà Tĩnh đã kêu gọi hơn 6.200 tàu cùng 17.000 lao động vào bờ neo đậu an toàn; các tàu khác trên đường trú tránh đều được giữ liên lạc thường xuyên.

Ông Sơn cho hay Hà Tĩnh đã di dời người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, mở rộng cống tiêu thoát để bảo vệ 45.000 ha lúa và 10.000 ha màu.

Tại Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết lực lượng cứu hộ cứu nạn đã dừng tìm kiếm 2 thuyền viên còn mất tích của tàu VTB 26 bị chìm sau bão số 2.

Đến sáng nay (25/7), toàn tỉnh Nghệ An có 263/625 hồ đầy nước, số còn lại có 60-70% dung tích. Tỉnh tiếp tục theo dõi để điều tiết nước đảm bảo an toàn hồ.

Tại Quảng Bình, ông Lê Minh Ngân – Phó Chủ tịch tỉnh cho biết đến sáng nay, Quảng Bình không còn tàu cá nào của địa phương hoạt động trên biển.

Tại Quảng Trị, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Chính cho biết tỉnh đã cấm biển từ 14h hôm qua và kích hoạt kịch bản di dời dân vùng xung yếu, lũ quét, sạt lở đất.

Theo báo cáo số 261 ngày 25/7 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 25/7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 72.070 phương tiện cùng hơn 287.400 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Bão số 4 đổ bộ vào xã Triệu Đô, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị chiều 25/7.

Thủy Minh

Xem thêm: