Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines, cơn bão số 10 ( tên quốc tế là Doksuri) đổ bộ vào biển Đông sáng ngày 13/9 và đổ bộ vào Hà Tĩnh – Quảng Bình lúc 10h ngày 15/9 với gió mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

bao so 10 5
Tại Quảng Bình, hơn 49.000 ngôi nhà bị tốc mái. (Ảnh: baoquangbinh.vn)

Là cơn bão mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4, bão số 10 gây thiệt hại nặng nề tại Hà Tĩnh – Quảng Bình và ảnh hưởng tới nhiều địa phương lân cận: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị.

Theo thống kê thiệt hại, đến sáng ngày 16/9, đã có 8 người chết ở các tỉnh thành, 33 ngôi nhà bị sập, hơn 120.000 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 6.200 nhà bị ngập ở Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Tại Hà Tĩnh, hơn 69.000 ngôi nhà bị đổ, tốc mái; 29 thôn với hơn 4.600 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà) bị ngập, trong đó xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) bị ngập toàn xã với 2.400 hộ; trên 3.100 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại hoàn toàn; Gần 1.000 ha lúa mùa và nhiều diện tích rau màu bị ngập; Hơn 8.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng (trong đó có 2.000 ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000 ha cam đang cho nhiều quả).

Bão số 10 cũng khiến đường Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Kỳ Anh bị tạm dừng hoạt động trong nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu.

Tại Quảng Bình, tính đến 14h ngày 15/9, có 1 người chết, 7 người bị thương trong bão, 13 ngôi nhà bị sập, hơn 49.000 ngôi nhà bị tốc mái (trong đó huyện Quảng Trạch có 17.170 nhà bị tốc mái, Ba Đồn: 15.810 ngôi nhà, Bố Trạch: 15.224 nhà,…); hơn 50 tàu bị đánh chìm và mắc cạn,… Ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.800 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, tính đến 16h ngày 15/9, tỉnh có 1 người chết, 1 người bị thương; có 725 nhà ở, quán, ki ốt bị tốc mái (trong đó nhiều nhất là thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc); hơn 380 ha lúa mùa, hơn 2.000 ha ngô và rau màu bị ngập đổ.

Một trong những thiệt hại lớn của tỉnh Nghệ An là các công trình thủy lợi bị hư hỏng, trong đó có 10 mái đập, hơn 1.600 m đê biển (huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai); 750 m đê sông Mai Giang, thị xã Hoàng Mai,… bị sạt lở. Uớc tính thiệt hại ban đầu về tài sản khoảng 518 tỷ đồng.

Tại Thanh Hóa, tính đến 15h ngày 16/9, tỉnh có 2 người chết trong cơn bão, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bão số 10 cũng gây mất điện trên diện rộng, giao thông, mạng viễn thông tê liệt. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có tổng số 252 đường dây trung áp bị sự cố do ảnh hưởng của bão. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề gồm: TP. Đồng Hới (Quảng Bình); khu vực trung tâm của các thành phố, huyện thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến 16h30 ngày 16/9, điện đã được cấp trở lại cho gần 780.000 khách hàng tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa.

Hiện các tỉnh thành và ngành chức năng đang tiếp tục thống kê thiệt hại và phối hợp khắc phục, hỗ trợ người dân tại các địa phương.

Thủy Minh