Đó là suy nghĩ mà nhà giáo, nhà văn hóa lớn Hoàng Đạo Thúy đã nhắc đến từ nửa đầu thế kỷ 20. Đứng giữa những chơi vơi của dân tộc khi văn hóa cũ, mới đan xen, khi những mặt trái của văn minh vật chất thì mạnh mà những giá trị sống bị coi thường, mai một, ông nóng lòng lên tiếng cảnh báo rằng: “Thế giới đã ốm rồi. Ốm tinh thần“.

Bỏ Tết cổ truyền
Tết Nguyên đán là một nét văn hóa cổ truyền, là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ cùng hướng về nguồn cội, biết ơn đức sinh thành, dưỡng dục. (Ảnh minh họa/dẫn qua timeoutvietnam.vn)

Những ngày cận Tết, chuyện bàn luận bỏ hay giữ Tết nguyên đán đang một lần nữa được nhóm lên sôi nổi sau gần chục năm âm ỉ. Những ý kiến bàn luận chia làm hai với bên bỏ cho rằng thời gian, nhân lực và tiền bạc đang bị lãng phí trong một kỳ nghỉ lễ quá dài, trong khi thế giới vẫn chuyển động, còn bên giữ thì viện quan điểm Tết là hồn cốt của dân tộc; chẳng vô cớ lại có Tết ta phân biệt với Tết tây, mà chẳng bị gọi lầm sang là Tết tàu dù là cùng dịp, cùng ngày.

Nếu nhìn từ góc độ kinh tế, thì đó là cuộc bàn luận làm sao để không bị thiệt hại do những đình trệ về lao động, sản xuất.

Nếu nhìn từ góc độ xã hội, thì đó là cuộc thương thảo không có hồi kết giữa rất nhiều ngành nghề, tầng lớp, tuổi tác và văn hoá khác nhau.

Nếu nhìn từ góc độ nhân văn, có thể việc này tương tự như việc cân nhắc giữa GDP và GNP (tổng sản lượng quốc gia và tổng hạnh phúc quốc dân). Đối với mỗi công dân của một quốc gia, nhiều tiền, nhiều tiện nghi hạnh phúc hơn hay một đời sống tinh thần lành mạnh sẽ giúp hạnh phúc hơn?

“Người nước Nam cần gì”?

Câu trả lời đã được Hoàng Đạo Thúy đưa ra từ gần một thế kỷ trước. Trong chương mở đầu của cuốn sách “Trai nước Nam làm gì” (xuất bản lần đầu năm 1943), đi ngược lại xu thế khi ấy, ông đã hoài nghi rằng văn minh vật chất chẳng thể cứu rỗi thế giới. Đó là căn bệnh của chủ nghĩa vật chất, là căn bệnh của chủ nghĩa tiêu dùng khi “đạo đức có lẽ là một nhẽ sống” mà “… tiền đã thành sức mạnh, tiền đã nên cái lẽ vì nó mà sống“.

Với ông, những giá trị của đạo Khổng: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm và sỉ như cái phanh để ghìm lại lòng tham của con người. Nhưng lòng tham ấy luôn được cổ võ bởi tất cả những mặt trái của chủ nghĩa tiêu dùng. Khi vì danh mà mê, vì lợi mà mê, thì con người rất dễ bị “ốm tinh thần” khi không còn nhận ra được đâu là giá trị của đời sống nữa.

Người ta mỏi mệt, và người ta muốn bỏ Tết.

Hãy xét qua mặt trái của cuộc sống vật chất trong dịp Tết mà vì thế, người ta muốn bỏ. Đó là nạn biếu xén, tham nhũng, ngày Tết bị biến thành dịp hối lộ và chi tiêu ngân sách trá hình.

Đó là sự lãng phí cho gần một tháng ăn chơi: công chức bỏ làm đi lễ, đi chùa, xe công nườm nợp xếp hàng mua ấn, bái lễ, cầu danh.

Là hành hương nhưng mục đích lại là cúng bái giải hạn, nhét tiền vào tay Phật, cùng hàng trăm lễ hội “giả” truyền thống tổ chức rải rác từ tháng Giêng tới tháng 3.

Là hàng ngàn ca cấp cứu vì đánh nhau và tai nạn giao thông vì thói quen bia rượu.

Những vấn đề ấy lên thành cao trào, thể hiện đậm đặc trong đợt nghỉ lễ dài nhất trong năm. Nhưng đó là hệ quả của tệ nạn xã hội, của bất công xã hội, của nạn lãng phí và tham nhũng hoành hành. Nếu không còn Tết, những vấn nạn này vẫn còn.

Nếu bỏ Tết, hoặc gộp Tết âm vào Tết dương, liệu năng lực và tinh thần làm việc của người Việt có khác, khi mà giáo dục và phương thức quản lý xã hội vẫn mãi giậm chân? Nếu bỏ Tết, thì nạn tắc đường, tham nhũng, phung phí, hối lộ không vì thế mà mất đi. Vậy là vấn đề cần tiết kiệm thời gian, gia tăng lao động sản xuất, đồng thời triệt phá tham nhũng… Đó mới là cách để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, thay vì bỏ đi một dịp lễ truyền thống.

Cũng chú ý rằng tại Singapore, trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới, Tết âm lịch vẫn được duy trì. Tết truyền thống được lưu giữ vì một nửa dân số Singapore là người Trung Quốc. Đây là một dịp văn hóa tinh thần, đoàn viên gia đình, hướng về cội nguồn của người gốc Hoa. Đương nhiên, trong dịp này, giá trị thương mại và du lịch tăng lên theo nhu cầu mua sắm và di chuyển của người dân và du khách.

Với nước Nhật, Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki từng cho hay hiện có nhiều người Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền, dù việc chuyển Tết cổ truyền sang Tết tây đã được thực hiện ở nước này gần một thế kỷ rưỡi. Bởi họ nhận ra lễ hội đón Tết Nguyên đán chính là một di sản văn hóa, một dạng “quyền lực mềm” có thể giúp kết nối cộng đồng.

Tết là dịp để trở về với lễ nghĩa của cha ông

Trở lại với nước Việt, câu trả lời nào cho tình trạng “ốm tinh thần” và muốn đoạn dứt một phần truyền thống?

Gần một thế kỷ trước, Hoàng Đạo Thúy cho hay: “Gốc bệnh chỉ là ở chỗ không giữ được bản tính người thôi“.

Chỉ nói riêng về việc hối lộ, ông chỉ ra là vì người ta đã mất cái gốc giữ lề trong sạch. Trước thực trạng “nỗi ‘tham’ nó tràn ngập nhiều hạng người trong xã hội“, ông cho là bởi “đút tiền cho nó đỡ bận đến mình, đút tiền cho nó xong chuyện…”. Ai cũng than, nhưng ai cũng chắc lưỡi “đút tiền thì qua được nhiều nỗi khó khăn, đút tiền được dễ dãi nhiều thứ“.

Thế nhưng, ông nghiêm khắc chỉ ra: “Biếu người ta làm bẩn cái tiết của người ta. Nhận của người ta làm đục cái trong của mình“. Thực hành chữ liêm và sỉ, lại kết hợp với pháp luật, thì sẽ hãm được cái lòng tham của con người.

Do đó, trước rất nhiều những gốc bệnh được chỉ ra, ông kêu gọi: “… phải trả lại giá trị cho những giá trị cũ, giá trị lao công, gia đình nghiêm phép, tổ quốc thiêng liêng; không nói tiền, chỉ nói đức; đừng vội chơi…“. Muốn xã tắc yên thì chỉ một cách là lập lại kỷ cương luân lý của xã hội, chứ không phải trừ bỏ tính truyền thống đi.

Theo dòng chảy của đạo đức ấy, Tết Nguyên đán là một nét văn hóa cổ truyền, là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ khi tất cả cùng chung một tiếng nói hướng về nguồn cội, biết ơn đức sinh thành, dưỡng dục. Những dọn nhà, đón Tết, sửa soạn Tết ông Công ông Táo, Lễ giao thừa, cúng đầu năm.., không phải là cái bận về sinh hoạt, mà nếu hiểu rõ thì đó giống như một lễ nghi tinh thần vậy.

Nhà còn đạo, thì vẫn còn một phép thờ cúng. Phép thờ cúng không thể theo lối hạn hẹp mà nhìn ở sự rườm rà. Phép thờ cúng dạy người biết tôn nghiêm với trời đất, gia tiên, biết kính trên nhường dưới.

>> Giáo dục Việt Nam: Tìm đâu xa, sao không xem lại kinh nghiệm của cha ông?

Theo đó, Tết cổ truyền không chỉ là một nét bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là di sản cha ông truyền thừa cho các thế hệ hôm nay và mai sau để lưu giữ và tìm lại những giá trị trong cuộc sống. Đó là hiếu – đức hiếu thuận, trọng ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục; là đễ – kính trọng người lớn hơn mình; là tín – không thất tín, sai hẹn, biết giữ lời; là lễ, với ý thức tôn trọng người khác, biết tiết chế bản thân để không gây nên hành động mạo phạm; đó là nghĩa – là trọng nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em, nghĩa bằng hữu chi giao…; là liêm trong một chữ thanh liêm; là sỉ, tức biết hổ thẹn trước điều sai trái.

Trong gia đình, ngoài xã hội, nếu mọi người đều tìm được về các giá trị sống đúng đắn ấy, thì học tập và làm việc đều có trách nhiệm, người đối với người an hòa vì ai cũng biết bổn phận của mình.

Cũng cần phải nói thêm rằng chỉ qua một dịp Tết thì không thể nào khôi phục lại được hết những giá trị đạo đức, tinh thần vốn đang bị mai một trầm trọng trong xã hội hiện nay. Nhưng đó vẫn là sợi dây truyền thống giúp kết nối và chỉnh sửa một phần những hư hại mà đời sống hiện đại để lại. Đó là tính cá nhân và chủ nghĩa vật chất, cũng là căn bệnh mà xã hội các nước phát triển đang phải đương đầu.

Để hội nhập, điều cần là thay đổi những mặt sai

Một du học sinh người Việt nói rằng bỏ Tết Nguyên đán có khác nào người phương Tây bỏ Lễ Giáng sinh. Trong lòng người phương Tây (nói đúng hơn là những người theo đạo Kitô giáo), lễ Giáng sinh là để hướng về gia đình, còn Ngày đầu năm mới thường dành cho bạn bè. Họ đón nhận cả hai, mà không bỏ đi ngày lễ nào.

Bỏ Tết truyền thống hay chuyển Tết âm lịch sang Tết dương lịch, thì điều này chẳng giúp nước ta tăng năng suất lao động như Singapore, hay giàu có như Nhật Bản, các nước phương Tây. Điều cần làm là vực dậy cái tinh thần đang bị yếu nhược trong cộng đồng, là thay đổi tư duy: tư duy tham nhũng, hối lộ; tư duy bài bạc, rượu bia ngày Tết; tư duy “nghỉ Tết” dông dài…

Kinh tế, xã hội chỉ có thể phát triển khi những tiêu cực đó được khống chế, thay đổi. Có những điều không chỉ trông chờ vào dịp Tết. Còn riêng việc lợi dụng “không khí Tết” để “bớt xén” thời gian làm việc thì có thể làm được ngay. Theo truyền thống, “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” – ngày Tết cổ truyền có lẽ không kéo dài sau Tết tới nửa tháng như hiện nay. Còn câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì vốn thuộc về một bài ca dao xưa nói về lịch làm nông chứ không phải ấn định cho một nếp ăn chơi dông dài (*).

Theo đó, vấn đề ở đây là việc đón Tết như thế nào để bỏ các thói hư tật xấu, quan niệm ăn Tết không đúng đắn. Là giữ Tết cổ truyền giữa nhịp sống hiện đại mà vẫn lưu giữ được các giá trị đạo đức, văn hóa, tinh thần. Nếu làm được như thế, thì sau gần 350 ngày làm việc, Tết ấy sẽ trọn vẹn nghĩa là một dịp mỗi người có cơ hội đoàn viên, vui vẻ bên gia đình và trở nên gắn kết với xã hội hơn mà thôi.

Lê Trai

(*) “Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng Ba thì đậu đã già,