Tiết canh – món ăn khoái khẩu mà nhiều người cho rằng “bổ, mát” đang khiến ngày càng có nhiều ca tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

bao dong nhiem khuan lien cau lon do an tiet canh lon
(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Trong những năm gần đây, theo thống kê, số lượng bệnh nhân nhập viện và tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn tăng cao. Nguyên nhân của những ca mắc này là do 70% bệnh nhân ăn tiết canh. Chưa kể, di chứng do tác hại của ăn tiết canh để lại sau điều trị làm cho khoảng 40% bệnh nhân giảm thính lực, có bệnh nhân bị mù vĩnh viễn. Ngoài ra, ăn tiết canh sống còn dẫn đến nguy cơ mắc sán rất lớn.

Điển hình, gần đây nhất trong các ngày 10 và 14/3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 2 bệnh nhân N.Đ.N và T.V.P (đều SN 1967, ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn sau khi ăn tiết canh dê có pha thêm tiết canh lợn tại buổi liên hoan ngày 5/3. Đến ngày 18/3, ông T.V.P đã tử vong, ông N.Đ.N sức khỏe hồi phục nhưng giảm thính lực.

Trước đó trong dịp Tết Nguyên Đán 2017, Khoa cấp cứu thuộc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận ba ca nhiễm liên cầu lợn, trong đó có 1 bệnh nhân nam P.V.Q (63 tuổi, quê Nam Định) đã tử vong; hai bệnh nhân khác là N.D.T (37 tuổi, quê Bắc Ninh) và P.T.Đ (37 tuổi, quê Ninh Bình) trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, đau đầu. Bác sỹ nhận định cả hai đều bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Qua điều trị, hai bệnh nhân sức khỏe đã hồi phục. Được biết, cả ba bệnh nhân đều ăn tiết canh lợn trong dịp Tết.

Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Riêng trong hai năm 2005 và 2006 có đến 72 người nhiễm vi khuẩn trên, trong đó 69 trường hợp viêm màng não mủ (96%), 3 trường hợp còn lại bị nhiễm trùng huyết. Năm 2007 có tới hơn 48 ca (22 ca ở miền Bắc, 20 ca ở miền Nam, 6 ca ở miền Trung) được chẩn đoán bị bệnh liên cầu lợn, có 3 ca trong số này đã tử vong.

Riêng tại TP.HCM, thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy số bệnh nhân mắc viêm cầu lợn trong năm 2016 toàn thành phố là 15 bệnh nhân, tăng 200% so với năm 2015. Đó là chưa kể đến những bệnh nhân mắc bệnh nhưng không được phát hiện.

nhiem khuan lien cau lon do an tiet canh
Hình ảnh một bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. (Ảnh: kienthuc.net.vn)

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng Khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thói quen ăn tiết canh lợn của người dân tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ sán, tiêu chảy, tả lị đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn.

Bản chất của tiết canh vẫn là ăn sống chứ chưa được nấu chín. Khi ăn phải tiết canh của lợn mang bệnh, người ăn rất dễ bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) – nguyên nhân gây bệnh liên cầu khuẩn lợn làm nhiều người tử vong.

Khi chưa nhiễm căn bệnh này, nhiều người thường chủ quan, nhưng khi đã nhiễm mới biết nó nguy hiểm như thế nào, thường sợ và “cạch đến già” không dám động vào tiết canh. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng trầm trọng hay không trầm trọng. Có những bệnh nhân vì quá nặng mà không thể qua khỏi.

Ngọc Long

Xem thêm: