Theo thông tin từ Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) ngày 23/11, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 200ha diện tích san hô bị tẩy trắng tại các khu vực biển Côn Đảo đã tự phục hồi.

san-ho-bi-tay-trang-o-con-dao-tu-phuc-hoi
Hàng trăm ha san hô tại Côn Đảo bị tẩy trắng vào tháng 5/2016. (Ảnh chụp màn hình/ Vườn quốc gia Côn Đảo)

Trước đó, khoảng tháng 5/2016, vùng biển Côn Đảo xuất hiện hiện tượng san hô bị tẩy trắng và chết khoảng 400ha (bằng khoảng ⅕ tổng diện tích san hô tại đây), độ sâu san hô bị tẩy trắng từ 3-15m.

Tám khu vực chính san hô bị tẩy trắng bao gồm: khu vực biển vịnh Côn Sơn, Ông Đụng, hòn Tài, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, hòn Đầm Tre, hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ. Các loài san hô bị tẩy trắng và chết nhiều nhất là san hô cành, san hô khối, san hô phiến và san hô nấm.

Tỷ lệ san hô bị tẩy trắng trung bình khoảng 30-40%, trong đó, có những khu vực có tỷ lệ bị tẩy trắng lên tới 70-80%, như vùng rạn san hô mặt trước hòn Cau và Đầm Tre (nằm ở hướng Đông của Côn Đảo).

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Côn Đảo, san hô là loài cộng sinh với tảo, nhiệt độ thích hợp để tồn tại và phát triển là khoảng 27-28 độ C. Vào tháng 5/2016, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, nước biển tại vùng biển Côn Đảo nóng lên bất thường khiến tảo bị chết trên diện tích lớn kéo theo san hô chết, tạo thành hiện tượng san hô bị tẩy trắng.

Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước. Về đa dạng sinh thái, vùng nước nông Côn Đảo có cả rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn, trong đó, rạn san hô quần cư khá phổ biến, có thể tìm thấy ở hầu hết vùng ven đảo. Các nghiên cứu cho thấy, san hô ở đây có độ phủ trung bình là 42,6%. Trong số rạn san hô nghiên cứu, có đến 74,2% san hô có độ phủ cao, chỉ có 2,8% thuộc loại phủ thấp.

Được biết vào các năm 1998 và năm 2010, tại vùng biển Côn Đảo, san hô cũng bị tẩy trắng và chết do hiện tượng Elnino. Một số khu vực san hô không thể phục hồi tự nhiên, phải tổ chức trồng hồi phục.

Hải Linh

Xem thêm: