Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới đây, tổng tài sản của Nhà nước hiện đang có là 1,04 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ công tính đến 31/12/2015 đã lên tới con số hơn 2,5 triệu tỷ đồng.

no cong
Dự án Ethanol Phú Thọ, một trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, vừa được cho phá sản để xử lý thua lỗ. Ảnh: Nhà máy Ethanol Phú Thọ bị bỏ hoang sau khi nhà thầu PVC dừng thi công. (Ảnh: poshaco.com)

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2015, tổng giá trị tài sản Nhà nước là trên 1,03 triệu tỷ đồng. Cập nhật đến năm 2017, con số này tăng lên 1,04 triệu tỷ đồng.

Tài sản này bao gồm quyền sử dụng đất, nhà, xe ô tô công và các tài sản khác (trị giá trên 500 triệu đồng), chưa bao gồm tài sản Nhà nước tại các đơn vị lực lượng vũ trang và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Về mặt tỷ lệ, giá trị tài sản đất đai chiếm tới 65,3% tổng giá trị tài sản Nhà nước với tổng giá trị 683 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến là tài sản nhà – chiếm 25,4% , và xe ô tô công – chiếm 2,3% tổng tài sản Nhà nước.

Riêng với tài sản là ô tô, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số xe ô tô công tính đến cuối năm 2016 là 37.286 chiếc với tổng nguyên giá 23.986 tỷ đồng.

Năm 2016, số lượng xe mua mới và tiếp nhận đã lên tới hơn 2.000 nghìn chiếc. Trong đó, số lượng xe mua mới là 1.164 xe với tổng trị giá 1.222 tỷ đồng, bình quân 1,04 tỷ đồng/xe.

Năm 2015, số lượng xe mua mới là 653 chiếc với giá trị 709,48 tỷ đồng, tương đương 1,08 tỷ đồng/xe.

Tính về số lượng, lượng xe công mua mới trong năm 2016 gấp 2 lần năm trước, dù Bộ Tài chính đang kêu gọi hạn cần giảm bớt số lượng xe công, hạn chế sử dụng xe chức danh khi cả nước dư thừa khoảng 7.000 chiếc xe công, theo thống kê của Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính).

Mặc dù vậy, tại một cuộc tọa đàm tổ chức vào tháng 5/2017, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết trên thực tế, cho đến nay, nhiều loại tài sản còn chưa đưa vào hệ thống quản lý.

Chúng ta có đến 10 triệu tỷ đồng tài sản khác đang nằm rải rác ở khắp nơi nhưng mới quản lý được hơn 1 triệu tỷ, tức là 1/10 số tài sản trên thực tế“. Theo ông, “đây là vấn đề rất nguy hiểm”, vì “tài sản công là tài sản của tất cả mọi người, toàn dân chứ không phải là chỉ của nhà nước. Người dân không thể đứng ngoài cuộc“.

Ông Nhưỡng cho hay hiện nay địa phương nào cũng có cũng có cảng, có sân bay. Ước tính trung bình từ năm 2005 tới nay, mỗi năm có khoảng 25.000-30.000 dự án lớn nhỏ, “chỉ riêng tiền làm quy hoạch các dự án nếu không thực thi được đã có thể dẫn đến thất thoát hàng nghìn tỷ”, ông Nhưỡng nói.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mới nhất vừa được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sáchdự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Có 7 nhóm tài sản công, gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan ĐCSVN…; Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật…; Tài sản công tại DN; Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước…; Tài sản bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu…; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính…; Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời…

Nợ công hơn 2,5 triệu tỷ đồng

Theo Luật Quản lý nợ công, Kiểm toán Nhà nước xác định nợ công tính đến ngày 31/12/2015  là 2.556.039 tỷ đồng (hơn 2,5 triệu tỷ đồng).

Kiểm toán Nhà nước cho hay nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỷ đồng và 8.171 tỷ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công là 2.589.429 tỷ đồng (gần 2,6 triệu tỷ đồng).

Như vậy, nợ công năm 2015 tương đương 61,8% GDP (trần Quốc hội cho phép là 65% GDP). Nợ công năm 2011 mới chỉ là 54,9% GDP.

Riêng nợ Chính phủ là gần 2,1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50% GDP. Nợ nước ngoài chiếm 42% GDP.

Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã trả được hơn 13,3 tỷ USD, tương đương hơn 288 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là trả nợ vay trong nước.

Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại, làm gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, đến 31/12/2015, 56 dự án được cho vay lại có nợ quá hạn. Tổng nợ của các dự án cho vay lại này là hơn 28.000 tỷ đồng (chiếm 9,1% tổng dư nợ), chỉ tính riêng nợ của Vinashin đã lên tới gần 22.400 tỷ đồng, còn 55 dự án khác là trên 5.600 tỷ đồng.

Trong đó các khoản nợ quá hạn của 56 dự án này là khoảng hơn 9.700 tỷ đồng, trong đó Vinashin chiếm nhiều nhất với trên 6.500 tỷ đồng; 8 dự án đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy hơn 1.400 tỷ đồng; Dự án Xi măng Hạ Long 268 tỷ đồng…

Kiểm toán Nhà nước cũng điểm mặt 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ gần 200 triệu USD (7 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ 105,95 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ).

Cần lưu ý, mặc dù nợ doanh nghiệp nhà nước không có bảo lãnh Chính phủ không tính là nợ công nhưng thực tế vẫn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không trả được nợ.

Nguyễn Quân

Xem thêm: