Một chị bạn kể với tôi là, khi chồng chị ý say sưa đọc những tin tức từ các trang mạng “lề trái”, chị đã rất bực bội, nói với chồng rằng: “Những điều tiêu cực ở xã hội này anh đã biết quá đủ rồi, còn nhồi vào đầu thêm làm gì cho nặng nề? Thời gian đấy anh để chơi với con có phải tốt hơn không?”

Lập luận của chị có nhiều phần giống với cách suy nghĩ của Brandon, chủ của trang Human of New York rất nổi tiếng. Brandon không phải nhiếp ảnh gia, cũng không phải nhà báo, anh lang thang khắp New York để xin chụp ảnh chân dung người ta, nói chuyện với họ, rồi đăng tải những câu chuyện họ chia sẻ lên blog của mình. Động lực của Brandon, anh có kể trong một buổi nói chuyện. Đại ý là, truyền thông bây giờ chỉ toàn tập trung vào những tin tiêu cực, tin xấu xa, vì sự hoang mang sẽ khiến người ta click vào để đọc nhiều, và tin càng gây phẫn nộ, càng gây đau buồn, thì người ta càng nghiện. Vì thế, Brandon nói, tôi chỉ muốn nhắc mọi người nhớ rằng, 99% cuộc sống xung quanh ta vẫn đang diễn ra bình thường, hàng xóm chó mèo vẫn cắn nhau, vợ chồng vẫn cãi cọ rồi lại làm lành. Những điều có trên mặt báo chỉ phản ánh 1% xấu xí nhất của cuộc sống, nhưng vì sự ngồn ngộn và dồn dập của Internet, người ta cứ tưởng đó là cả thế giới xung quanh mình.

Tôi cũng có một cô bạn, từng than vãn với tôi điều tương tự. Nhiều lúc chẳng muốn đọc tin, vì càng đọc chỉ càng chán nản. Tôi cũng vậy, càng biết nhiều càng thấy bất lực. Nhưng không giống như chị bạn nhắc đến ban đầu, tôi cho rằng, biết về những điều đang diễn ra quanh mình không những là quyền, mà còn là một nghĩa vụ. Nghĩa vụ ấy, đối với mỗi công dân mà nói, không hề kém thiêng liêng so với nghĩa vụ đóng thuế.

Tại sao?

Tại vì chúng ta không có lựa chọn nào khác. Xã hội ta đang sống không cho phép ta được chọn “không biết”.

Các gánh hát rong chính là một trong những hình thức đưa tin sớm nhất của xã hội con người. Khi đó, người ta háo hức chờ mong những đoàn kịch, đoàn cải lương, đoàn tuồng đi qua làng mình, bởi vì họ mang đến những câu chuyện. Trong ánh đèn sân khấu, những câu chuyện lung linh kia có thể đã diễn ra tại một ngôi làng xa xôi nào đó mà gánh hát đã đi qua. Chính các diễn viên cũng là những người đưa tin, vì nghề nghiệp bắt họ di chuyển. Nhưng Internet mua vui và đưa tin hiệu quả gấp trăm ngàn lần bất cứ gánh hát nào. Lượng thông tin con người ở thời đó tiếp nhận trong cả một đời chỉ bằng lượng thông tin chúng ta tiếp nhận trong một ngày.

Nhưng những ngôi làng ngày xưa xa nhau. Nước uống từ giếng của làng này không liên quan đến nước uống từ suối của làng khác. Dịch bệnh có thể giết chết người dân của nhiều ngôi làng bên cánh rừng này, nhưng không lây lan sang vạt rừng khác. Con cá nuôi trong ao của người này, không nhiễm độc từ dòng sông chảy qua nhà người khác. Những cuộc đời của họ không đan xen vào nhau, vì thế, họ có quyền vui vẻ trong lũy tre làng của mình, và không biết về nhau.

Chúng ta không có được xa xỉ ấy. Hạt gạo chúng ta ăn có thể được trồng trên thửa ruộng xịt hóa chất đến nỗi con cá dưới suối đầu to đít teo mình không có thịt (chuyện có thật tôi nghe chia sẻ từ một buổi hội thảo). Hạt ngô mẹ chúng ta xào có thể được phát triển trong phòng thí nghiệm từ cách đây nửa vòng trái đất. Nước tan từ băng của Bắc Cực có thể làm biển dâng, lũ dâng, và con đường đi làm của bạn ngập lụt, bộ váy mới của bạn sẽ vấy bẩn.

Xã hội phát triển và những mảnh đời cứ thế đan xen vào nhau, trong một mạng lưới nhằng nhịt dù bạn có muốn hay không, bạn cũng không thể tự gỡ mình ra được.

Một cậu thiếu niên có bố đi đánh cá, mẹ làm ruộng, ở một tỉnh miền Trung, giờ rất có thể đang bế tắc và cùng quẫn. Rất có thể, cậu sẽ phiêu bạt lên những đô thị lớn, nơi không ai nhìn thẳng vào cậu như một con người. Cậu có thể bị lạm dụng tình dục, bị cuốn vào những băng đảng sau nhiều đêm ngủ ở vỉa hè. Để rồi một buổi sáng, khi bạn đang háo hức mang chiếc điện thoại mới toanh đến cơ quan để khoe, thì cậu sẽ vụt qua, giật lấy nó. Vào khoảnh khắc cuộc đời cậu thiếu niên ấy cắt với cuộc đời của bạn, thì bạn sẽ nhớ ra rằng, mình và cậu ấy không thể là những đường thẳng song song.

Cách đây ít lâu, tôi đưa mấy cô cậu học sinh cấp 3 của một trường quốc tế danh giá nhất Hà Nội, đến thăm một gia đình nông dân. Một cô bé lớp 11, người Việt, hỏi người phụ nữ nông thôn, có lẽ là người nông dân đầu tiên mà cô bé gặp: “Ở đây cô mua quần áo ở đâu ạ? Cháu không nhìn thấy trung tâm thương mại nào cả“.

Câu hỏi của cô bé lớp 11 sinh ra và lớn lên ở Việt Nam ấy được cô giáo đi cùng khen là “biết quan sát”. Kể cả trong tay có cả Iphone và Ipad, ở nhà có cả máy tính để bàn và máy tính xách tay, thế giới của người ta vẫn có thể rất hạn hẹp, bó tròn trong cửa kính của những chiếc ô tô, cửa sắt của những tòa biệt thự, và cửa an toàn của những khu biệt lập lúc nào cũng có bảo vệ đứng canh. Trong khi đồng bào của cô bé thì không có tiền để sửa cái cửa nhà bị bung ra sau cơn bão, gió thổi rơm rác bay vào nhà ngổn ngang.

Để không giống như cô bé ấy, tôi tin rằng, chúng ta không những có quyền được biết, mà còn có nghĩa vụ phải biết. Đấy không phải là vấn đề của lựa chọn.