Khi người Mỹ bước vào năm 2018, tôi thấy nhiều bài báo viết về các giải pháp cho năm mới. Nhưng, trong khi tôi thấy rất nhiều mâu thuẫn giữa các giải pháp của mỗi người nhằm làm những điều tốt cho người khác và các giải pháp chính trị nhằm làm hại người khác để xây dựng tổ ấm của chính mình, tôi không tìm thấy nhiều điều đủ sức cải thiện cả hành vi cá nhân lẫn hành vi chính trị của người Mỹ. Đấy là lý do vì sao tôi chợt nghĩ rằng có lẽ cái chúng ta cần là một số giải pháp của những năm xưa cũ để tự nhắc mình về sự khôn ngoan mà chúng ta thường quên.

Ý nghĩ đó kích hoạt kí ức về một cái đó phù hợp. Bắt đầu từ tiểu luận “Đừng động vào tài sản của người khác” của Leonard Read, trong tác phẩm Accent on the Right (1968), xuất bản cách đây 50 năm. Trọng tâm của bài tiểu luận này là các vấn đề lớn nhất của chính phủ xuất phát từ những vụ vi phạm các điều răn: Không tham lam và không ăn cắp, vì lòng tham là động cơ thúc đẩy những hành vi làm hại người khác vì lợi ích của mình và ăn cắp là hành động do lòng tham mà ra.

Việc ngăn chặn những vụ vi phạm như là nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ, chính phủ có thể thúc đẩy phúc lợi chung bằng cách bảo vệ một cách hiệu quả hơn tất cả tài sản của chúng ta, không để cho người khác xâm phạm (tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền sở hữu tài sản trên cơ sở quan hệ tự nguyện). Điều này được minh hoạ bởi các chức năng của chính phủ Hoa Kỳ (ví dụ, quốc phòng là không để người nước ngoài xâm phạm thân thể và tài sản của bạn; cảnh sát, tòa án và nhà tù là không để hàng xóm xâm phạm thân thể và tài sản của bạn). Nhưng đáng tiếc là, chính phủ đã trở thành biện pháp “được mọi người kính nể” trong việc vi phạm những thứ mà người ta nghĩ rằng nó phải bảo vệ.

Hãy nghe Leonard Read nói về tầm quan trọng của hai điều răn này đối với sự tồn tại cũng như tiến bộ của bất kỳ nền văn minh thực sự nào:

“Không trộm cắp! Biết rằng trộm cắp là sai… hàm ý rằng cái đúng là … đừng động vào tài sản của người khác. Cấm ăn cắp giả định rằng mỗi người đều có quyền hưởng thụ thành quả lao động của chính mình.

Nhận thức rằng việc lấy của người khác là xấu, chắc chắn là có trước Mười Điều Răn nhiều thế kỷ.

Có tất cả lý do để tin rằng việc tuân thủ điều cấm kị này – tôn trọng nguyên tắc sở hữu tư nhân – là khởi đầu của nền văn minh. Điều răn Không-trộm-cắp được tôn vinh hay bị vi phạm là thành tố quyết định chủ yếu cho việc vươn lên hay sụp đổ của nền văn minh.

Đúng là, “Ngươi không được tham” thậm chí còn có ý nghĩa hơn là “Không được ăn cắp”; nếu không ai tham của cải của người khác, thì sẽ không còn nạn trộm cắp.

Hạn chế trộm cắp là nguồn gốc của văn minh! Chỉ có hai điểm cần phải được hiểu … để cho lời khẳng định này vang lên sự thật. Thứ nhất, các nền văn minh vươn lên và sụp đổ cùng với sự thăng tiến và sụp đổ của quyền tự do cá nhân. Thứ hai, quyền tự do cá nhân tăng lên và giảm đi tương đương với mức độ tôn trọng và giữ gìn quyền sở hữu tư nhân – không còn nạn trộm cắp. Bất cứ đâu và bất cứ khi nào, mà quyền sở hữu tư nhân không giữ thế thượng phong thì chẳng nên nói tới tự do cá nhân làm gì!

Những vụ bùng nổ mang tính sang tạo – dấu hiệu của nền văn minh – có mối liên hệ trực tiếp với sự gia tăng của quyền tự do cá nhân … lịch sử đã nói lên điều đó.

Luận điểm về quyền sở hữu tư nhân dựa chủ yếu trên giả thuyết có thể bảo vệ được, rằng, mỗi người đều có quyền đồi với đời sống của mình như bất kỳ người nào khác. Nếu mỗi cá nhân đều có quyền đồi với đời sống của mình, thì theo logic, người đó có quyền duy trì đời sống của mình như tất cả những người khác, mà duy trì đời sống là thành quả lao động của chính người đó hoặc là kết quả của trao đổi hòa bình. Sinh kế chính là sự mở rộng của đời sống.

Như vậy, trộm cắp là phá hoại đời sống. Không để nạn trộm cắp xảy ra là tôn trọng đời sống; cần phải khẳng định và coi thiết chế sở hữu tư nhân là thiêng liêng.

Rõ ràng là, không một nền văn minh nào có thể được sinh ra nếu không tuân thủ luật cấm này. Thiết chế sở hữu tư nhân – đừng động vào tài sản của người khác – đã sinh ra tất cả các nền văn minh! … Nếu trộm cắp trở thành phổ biến thì chúng ta sẽ nhanh chóng rơi vào một thời kỳ đen tối nữa. Luật pháp trở thành vô dụng; cảnh sát cũng sẽ trở thành kẻ cắp!

Trong khi, suốt nhiều thế kỷ, cả người dân lẫn chính phủ đều giả vờ bảo vệ thiết chế sở hữu tư nhân, việc tuân thủ trên thực tế mang tính hình thức hơn là thực chất … Rất ít người trong chúng ta hiểu rằng quyền sở hữu tư nhân có thể được công nhận trên nguyên tắc, nhưng lại bị xóa bỏ hoàn toàn trên thực tế. Cũng không nhiều người hiểu rằng việc tước đoạt bằng vũ lực thu nhập – quá mức mà các hoạt động của chính phủ cần – tạo ra ảnh hưởng xói mòn đối với sở hữu tư nhân, cũng tương tự như nạn trộm cắp. Việc hợp pháp hoá việc chuyển giao bắt buộc quyền kiểm soát cũng dẫn đến việc phá huỷ quyền sở hữu tư nhân.

Không cần là người khổng lồ về trí tuệ mới nhận thức được rằng tự do cá nhân, và do đó, sự đơm hoa kết trái của nền văn minh chỉ có thể xảy ra khi sở hữu tư nhân giữ thế thượng phong. Chỉ cần tưởng tượng rằng bạn hoàn toàn không có gì để đảm bảo cho sinh kế của mình, lúc đó cuộc đời bạn sẽ nằm trong tay người khác.”

Leonard Read coi tội lỗi kép của lòng tham và trộm cắp là những mối đe dọa lớn nhất đối với nền văn minh. Trộm cắp, mà động cơ là lòng tham, phá hoại ngầm tài sản cá nhân – cơ sở quan trọng nhất của những thỏa thuận tự nguyện, hình thành nên nền văn minh. Kết quả là, ông công nhận rằng chức năng chính của chính phủ là duy trì nguyên tắc “đừng động vào tài sản của người khác” và bất cứ khi nào chính phủ không bảo vệ được nguyên tắc này khỏi những vụ vi phạm hoặc tự chính phủ vi phạm, thì chính phủ cản trở chứ không phải đang thúc đẩy nền văn minh.

Nhớ lại cách lý giải như thế và tái cam kết với quan điểm thấu triệt của Read, rằng “đừng động vào tài sản của người khác là câu cách ngôn căn bản của những người văn minh!” là giải pháp tuyệt vời cho năm mới.

Gary M. Galles là giáo sư kinh tế tại Đại học Pepperdine. Ông mới cho xuất bản hai tác phẩm Faulty Premises, Faulty Policies (2014) và Apostle of Peace (2013). Ông là một thành viên của mạng lưới FEE Faculty Network

Phạm Nguyên Trường dịch

Xem thêm: