Trong tuần qua có hai đề xuất sửa đổi luật gây chú ý dư luận. Một là đề xuất trong Luật về Máu và Tế Bào Gốc do Bộ Y Tế chủ trì, quy định “mỗi năm, người dân có nghĩa vụ hiến máu một lần”. Đề xuất còn lại trong Bộ Luật Lao Động do Bộ Lao Động, Thương Binh, và Xã Hội chủ trì nhằm loại bỏ quy định lao động nữ được nghỉ thêm một tiếng mỗi ngày trong thời gian nuôi con nhỏ và nửa tiếng mỗi ngày trong thời gian kinh kỳ.

(Ảnh: hienmau.net)
(Ảnh: hienmau.net)

Đối với quy định “hiến máu”, lý do được đưa ra là nhằm bổ sung dự trữ nguồn máu cho quốc gia. Đối với quy định của Bộ Luật Lao Động, lý do được đưa ra là do doanh nghiệp phàn nàn rằng luật ưu ái lao động nữ quá, và không thể thực thi trên thực tế.

Cả hai đề xuất, may thay, đều không được Bộ chủ trì ủng hộ. Hai Bộ đã làm đúng khi ghi nhận các đề xuất này trong dự thảo vì nó thể hiện tinh thần dân chủ trong việc tiếp thu ý kiến, dù cho có những ý kiến hơi quái gỡ.

Nhưng điều quan trọng ở đây là lý do đằng sau việc các Bộ không ủng hộ những đề xuất này. Nó thể hiện hai lối tư duy quản trị quốc gia rất khác nhau và phần nào phản ánh được tính chất của từng cơ quan. Bộ Y Tế với lãnh đạo là những y, bác sĩ tiếp cận câu chuyện một cách máy móc, công thức, và hơi thiếu nhân văn. Còn Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội tiếp cận đề xuất một cách nhân văn hơn.

Đối với Bộ Y Tế, lý do họ đưa ra đó là do đề xuất hiến máu bắt buộc sẽ “tăng kinh phí cho Nhà nước”, “gây rắc rối cho quản lý”, đồng thời do khi lấy ý kiến thì chỉ có hơn 30% người được khảo sát đồng tình. Do đó, Bộ Y Tế không kiến nghị đề xuất đó vào Luật (!?)

Ngược lại, Bộ Lao Động, Thương Binh, và Xã Hội rất đáng hoan nghênh khi họ đã nhìn nhận đề xuất “thai kỳ, kinh kỳ” dưới lăng kính quyền con người cho dù đề xuất mà họ đối diện mang hơi hướm kinh tế hơn.

Cả hai đề xuất nêu trên đều là hai đề xuất liên quan đến quyền con người. Người đề xuất có thể đứng trên bất kỳ góc nhìn nào để phát biểu, nhưng Nhà nước thì không được phép xem xét nó một cách máy móc. Cách nói của Bộ Y Tế khiến nhiều người có thể hiểu lầm rằng “máu” của người dân là một loại hàng hóa cần quản lý và có thể thu hồi bất kỳ lúc nào, và việc không (hoặc chưa) thu hồi là do họ chưa có được đồng thuận từ những người họ khảo sát và kinh phí chưa cho phép. Vấn đề quyền con người không được Bộ nói đến trong trả lời của mình. Mình không khỏi thắc mắc là điều gì sẽ xảy ra nếu mẫu khảo sát mà Bộ Y Tế dựa vào chẳng may ủng hộ phương án kể trên hoặc kinh phí dự kiến cho phép việc “lấy máu” thì đề xuất quái gỡ đó sẽ được Bộ Y Tế xử lý như thế nào.

Khi một cơ quan Nhà nước nhìn một sự việc nhân quyền trên cơ sở “thiệt-hơn” kinh tế và nhu cầu quản lý, mọi thứ sẽ trở nên rất nguy hiểm. Nó đại diện cho tư duy xem con người là công cụ để đạt đến những thành tích, con số. Nó làm tiêu biến câu chuyện của mỗi cá nhân, xem nhân dân như một tập thể phải có cùng một suy tư, cùng một cách nghĩ, cùng một mong muốn. Nó được ngụy trang bằng “tinh thần dân chủ” không đúng chỗ khi cho rằng số đông đồng thuận thì một đề xuất sẽ có cơ sở vững chắc. Đề xuất “hiến máu” cũng như đề xuất “thai kỳ” là hai vấn đề về quyền con người và phải được nhìn nhận bằng lăng kính quyền con người. Nếu nhìn dưới lăng kính đó thì ta sẽ hiểu việc hiến máu là biểu hiện của quyền tự do thân thể (một quyền tuyệt đối, bất khả xâm phạm) và không một Nhà nước, một thể chế, hay một số đông nào (cho dù là dân chủ nhất) được phép xâm phạm. Chính vì thế, cho dù việc hiến máu bắt buộc có đạt được hiệu quả kinh tế, hay đại đa số người dân ủng hộ, thì đề xuất hiến máu bắt buộc vẫn không được phép thông qua. Đó là chưa kể, chúng ta có thừa những tấm gương các quốc gia vẫn phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội của mình mà không phải hy sinh quyền con người.

Với người dân, sẽ phải hết sức cẩn thận trong các vấn đề chính sách. Luật Trưng Cầu Dân Ý đã có hiệu lực và một ngày nào đó, chúng ta sẽ là người trực tiếp quyết định các vấn đề của đất nước. Đừng để bị các diễn ngôn về việc “thiệt-hơn” kinh tế, về thuận tiện quản lý khiến chúng ta đưa ra, hay ủng hộ, các quyết sách sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự do, quyền con người của người khác. Số đông không phải là cái cớ cho vi phạm nhân quyền. Năm 2016 đã cho chúng ta quá nhiều bài học về những quyết sách có vẻ đem lại lợi ích kinh tế nhưng lại không coi trọng quyền con người để rồi hậu quả nhãn tiền lại là môi trường sống, sinh kế, và sự bằng an của một bộ phận rất lớn người dân.