Thời gian vừa qua, trong lĩnh vực lịch sử, nhiều công trình mới ra mắt bạn đọc nhờ sự phối hợp của các nhà xuất bản và các công ty tư nhân trong việc tìm kiếm, phát hiện những nguồn sử liệu, công trình biên khảo, nghiên cứu có giá trị, do thời gian và những biến động lịch sử nên chưa có điều kiện phát hiện, khai thác, công bố lại.

Tản mạn từ những cuốn sách mới
(Ảnh minh họa)

Những công trình lịch sử mới được xuất bản thể hiện một triết lý khoa học hiện đại là quan hệ liên ngành chặt chẽ và xuyên suốt, làm rõ hơn một trong những nguyên tắc “sống còn” của khoa học xã hội ngày nay: Vấn đề nghiên cứu phải luôn được đặt trong bối cảnh rộng hơn về không gian, thời gian và cả trong sự biến thiên nội hàm của nó.

Một vấn đề luôn được đặt ra là làm thế nào để có một “lịch sử khách quan”, khi mà nền sử học luôn chịu ảnh hưởng (chính trị) của một xã hội nhất định, khi mà cùng với độ lùi của thời gian, quá khứ sẽ được nhìn từ nhiều góc độ và chiều kích khác nhau. Vì vậy xử lý nguồn sử liệu phong phú hơn nhưng cũng đa dạng hơn, thậm chí có những phản ánh, nhận định nhiều khi đối lập, cực đoan… là một công việc không dễ dàng.

Với những công trình về lịch sử thời kỳ cận đại Việt Nam mới xuất bản, độc giả đã có điều kiện tiếp cận những phương pháp nghiên cứu mới, nhiều nguồn sử liệu “gốc” được hệ thống và trình bày một cách nghiêm cẩn, mở rộng hơn cái nhìn về quá khứ nhờ việc mô tả trung thực và khách quan. Việc “phục dựng” sự kiện lịch sử như nó vốn có qua tất cả những gì liên quan: thư từ, hồi ký, văn bản, chính sử, kể cả những nguồn “sử liệu xã hội” như báo chí, luật pháp, sinh hoạt hằng ngày… giúp cho nhiều sự kiện, nhân vật và một số giai đoạn lịch sử trở nên sáng tỏ và dễ hiểu, không còn bị bao phủ bởi cái gọi là “nhạy cảm” hay “tế nhị” như trước đây.

Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu về quá trình hình thành dân tộc, một số công trình nghiên cứu gien di truyền đem lại hiểu biết mới về nguồn gốc loài người ở Đông Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, nguồn gốc “sinh học” chỉ là một phần của lịch sử văn hóa tộc người ở hai khu vực này (và nói chung trên thế giới). Bởi vì trong mỗi một con người xã hội luôn có hai nguồn gốc: con người sinh học và con người văn hóa. Tuyệt đối hóa nguồn gốc sinh học mà không đặt con người trong bối cảnh của một quá trình lâu dài tiếp xúc, tiếp nhận, thích ứng, biến đổi của một cộng đồng tộc người trong môi trường sinh thái – nhân văn đó là cách nhìn phiến diện cho một mục đích “ca ngợi” hay “hạ thấp” một nền văn hóa.

Cho đến nay không ai có thể phủ nhận thành tựu văn hóa quan trọng nhất mà khu vực Đông Nam Á đã đóng góp cho thế giới, đó là việc cư dân văn hóa Hòa Bình từ khoảng 10 ngàn năm cách ngày nay đã phát minh ra nghề trồng trọt. Văn hóa Hòa Bình là một văn hóa khảo cổ phân bố rộng khắp khu vực Đông Nam Á thời cổ (bao gồm cả phía Nam sông Dương Tử – vùng Hoa Nam ngày nay). Địa bàn phân bố chính của nền văn hóa này là vùng thung lũng chân núi, trước núi, thềm sông cổ. Di tích thường được tìm thấy trong những hang động, mái đá. Môi trường tự nhiên với “hệ sinh thái phổ tạp” phong phú các giống loài thực vật và động vật thủy sinh đã được con người khai thác làm thức ăn, tiến tới thuần hóa nhiều loại thực vật, trong đó có một số giống lúa hoang. Để rồi vào khoảng bốn, năm ngàn năm cách ngày nay, nghề nông trồng lúa nước thực sự phát triển xuống vùng châu thổ các con sông lớn ở Đông Nam Á.

Sự hiểu biết nguồn gốc sinh học của con người cùng hiểu biết văn hóa – lối ứng xử với tự nhiên và ứng xử xã hội, trong đó có việc tiếp nhận những yếu tố văn hóa từ tộc người, quốc gia khác – là cơ sở quan trọng cho tri thức về nguồn cội văn minh Đông Nam Á – Việt Nam. Nhận thức được điều này, ở một khía cạnh nào đó giúp xóa bỏ ẩn ức tâm lý “nhược tiểu” lâu nay ảnh hưởng đến việc nghiên cứu lịch sử – văn hóa Việt Nam, làm người ta “choáng ngợp” tự ti trước những nền văn minh, văn hóa khác; nhưng mặt khác còn giúp cảnh báo một hiện tượng nguy hại hơn là “chủ nghĩa dân tộc” cực đoan, chống đối, từ chối và phủ nhận những gì đã tiếp nhận trong quá trình lịch sử, không chỉ với văn hóa Trung Hoa thời cổ trung đại mà còn cả văn hóa Pháp, Mỹ trong thời cận hiện đại. Thậm chí còn “tự hào” cho rằng, mọi thành tựu văn hóa – văn minh của khu vực Đông Bắc Á là từ Đông Nam Á/Việt cổ mang lên. Tư tưởng này cũng giống hệt tư tưởng “bành trướng văn hóa” của Trung Hoa phổ biến một thời cho rằng văn minh Đông Nam Á là do văn minh Hoa Hạ truyền bá xuống.

Giao lưu, tiếp thu văn hóa, văn minh của những tộc người chung và không chung biên giới đất liền, cũng như “biên giới văn hóa không đồng nhất biên giới chính trị” là những quy luật lịch sử. Một ngàn năm bị đô hộ và chống đô hộ cũng là một ngàn năm, thậm chí cả thời kỳ độc lập chủ quyền từ thế kỷ XI sau đó, người Việt chống đồng hóa bằng cách, bên cạnh việc duy trì cơ tầng xã hội làng xã khép kín (để bảo tồn văn hóa) là sự thích ứng, tức là chủ động thay đổi, đổi mới nhiều yếu tố chính trị – xã hội. Sự đổi mới này giúp xã hội Việt cổ không bị cách biệt với thế giới – đầu tiên là văn minh Trung Hoa, hay như ở phía Nam trong mười thế kỷ sau công nguyên, các nhà nước Phù Nam, Chăm Pa cũng tiếp nhận và thay đổi cơ tầng chính trị – xã hội để tiếp cận với văn minh Ấn Độ. Lịch sử không thể tách rời bối cảnh văn hóa, hay là, nhận thức – ghi nhớ – lưu truyền lịch sử, đó chính là văn hóa. Vì vậy, lý giải những sự kiện, hiện tượng lịch sử, chính trị cần được tiếp cận từ không – thời gian văn hóa.

Những công trình lịch sử của một số nhà nghiên cứu “tự do” (theo nghĩa không làm việc trong các cơ quan khoa học của nhà nước) cho thấy một yếu tố tích cực: đó là xuất phát từ sự say mê và vốn tri thức cá nhân, nghiên cứu để giải đáp những khúc mắc, băn khoăn của chính mình nên tránh được lối mòn, sự khuôn sáo, định kiến, hạn chế ảnh hưởng của “tâm lý đám đông” trong việc lựa chọn vấn đề, sau đó là nhận định, đánh giá lịch sử… Do đó nghiên cứu có hệ thống, công trình trước làm tiền đề cho công trình sau, cần mẫn ghép từng ô trong bức tranh lịch sử còn quá nhiều khoảng trống.

Cũng cần nói thêm, nhiều công trình trước khi xuất bản sách in đã được phổ biến trên một số website. Ngày nay, internet là nơi thể hiện sự bình đẳng trong quyền được thông tin và quyền được nhận thông tin khoa học, bình đẳng về sự hiện diện cũng như chịu sự phán xét của công chúng nói chung và cộng đồng khoa học nói riêng đối với các công trình. Sự tương tác này giúp tác giả và cả độc giả điều chỉnh kịp thời những sai sót, thiếu hụt nếu thực sự cầu thị. Việc xuất bản những công trình nghiên cứu từng có thời gian bị khuất lấp như thời gian gần đây góp phần mang lại những cái nhìn đa chiều, đồng thời xóa bỏ ranh giới giữa nghiên cứu “chuyên nghiệp/ nghiệp dư”, “hàn lâm/tự do” bằng sự nhìn nhận và tín nhiệm của độc giả.

Facebook Nguyễn Thị Hậu

Xem thêm: