Bình Nhưỡng lại vừa thử tên lửa. Seoul đã tuyên bố có thể tấn công phủ đầu. Washington đang thúc ép Liên Hợp Quốc tăng cường lệnh trừng phạt. Khả năng xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần 2 đang dâng cao. Đã đến lúc cần hình dung cuộc chiến đó sẽ diễn ra như thế nào.

kim jong

Trong bài viết này, tôi sử dụng thuật ngữ chiến tranh chứ không chỉ nói về cuộc tấn công đơn thuần của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Bởi vì, chúng ta cần phải nhìn nhận khả năng đáp trả của Bình Nhưỡng, dẫn tới một cuộc xung đột kéo dài hơn.

Một cuộc chiến tranh như vậy sẽ có thể xảy ra dựa trên cơ sở quyết định từ Bắc Triều Tiên khi nước này đưa chương trình hạt nhân của mình tới một giai đoạn mà Hoa Kỳ và các nước khác kết luận Bình Nhưỡng đã tiến gần đến khả năng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, lắp vào các tên lửa đạn đạo, gây nguy hiểm cho Mỹ và đồng minh.

Nếu giữ quan điểm rằng chế độ Bắc Hàn không thể tồn tại trong chiến tranh hạt nhân [đối đầu với Mỹ], thì ta sẽ thấy thật khó hiểu tại sao họ vẫn đẩy chương trình hạt nhân của mình tới điểm này.

Giai đoạn nguy hiểm nhất cho Bắc Triều Tiên

Lý do rõ ràng cho việc sở hữu một chương trình hạt nhân là sử dụng nó làm công cụ thương lượng. Việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng để nhằm ngăn chặn thế lực nước ngoài tìm cách thay đổi chế độ tại Bắc Triều Tiên.

Giai đoạn nguy hiểm nhất đối với Bắc Triều Tiên là khi họ tiến gần đến việc sở hữu vũ khí [hạt nhân], nhưng chưa hoàn toàn có được nó. Đó là giai đoạn mà một cuộc tấn công của một lực lượng bên ngoài có khả năng xảy ra cao nhất.

Giai đoạn này Bắc Triều Tiên chưa thể phản công [bằng vũ khí hạt nhân].  Nhưng hiện nay, Bình Nhưỡng lại quyết định cố tình gửi tín hiệu rằng nước này có vũ khí hạt nhân và điều này làm tăng tính cấp bách của một cuộc tấn công từ bên ngoài. Xét trên mặt chiến lược thời chiến, đây là một lựa chọn khó hiểu, thậm chí ngay cả khi họ đã sở hưu loại vũ khí này.

Quyết định tấn công của Mỹ vào Bắc Hàn sẽ dựa trên cân nhắc hậu quả nếu Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí [hạt nhân] – nếu họ thực sự đã sở hữu. Nếu không, quyết định tấn công này sẽ dựa trên khả năng Bình Nhưỡng tiến sát việc sở hữu khí hạt nhân.

Những câu hỏi quan trọng?

Có 5 câu hỏi đặt ra với một cuộc tấn công của Mỹ vào Bắc Triều Tiên:

Thứ nhất, tình báo Mỹ có thông tin rõ ràng về các cơ sở quan trọng của Bắc Triều Tiên?

Thứ hai, Tổng thống và các cộng sự của ông có tin tưởng vào tình báo của họ?

Thứ ba, có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân đó bằng vũ khí thông thường hay không?

Thứ tư, có thể đánh giá mức độ các cơ sở đó bị phá hủy thế nào (nói cách khác, chúng ta có thể biết chắc chắn các cơ sở đó bị phá hủy sau cuộc tấn công hay không)?

Thứ năm, nếu chỉ vũ khí hạt nhân mới có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân, thì vô hiệu hóa khả năng hạt nhân của Bắc Hàn có thể bào chữa cho việc Mỹ sẽ phải đối mặt với những cơn bão chính trị sau khi sử dụng loại vũ khí hủy diệt này lần 2 không (lần đầu tiên ở Nhật Bản năm 1945)? Và liệu nó có biện hộ cho Mỹ được trước nguy cơ các nước khác cũng hợp pháp hóa việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tôi không biết câu trả lời cho các câu hỏi này. Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ tiến hành một đợt tấn công hạt nhân phủ đầu nếu không có thông tin tình báo rõ ràng rằng Bắc Triều Tiên dự định tấn công trước.

Tôi cũng sẽ ít nhất giả thiết rằng khả năng sử dụng vũ khí thông thường là có thể, và công tác đánh giá thiệt hại trên chiến trường là khả thi. Trong hoàn cảnh đó, nếu thiếu áp lực từ phía Trung Quốc, buộc Bắc Hàn phải lùi bước khỏi chương trình hạt nhân hiện tại và chứng minh [cho Mỹ thấy] họ quả thực đã ngừng lại (một điều rất khó), thì nước Mỹ cũng có thể sẽ tấn công.

Bắc Hàn có thể phản công như thế nào?

Giả sử một cuộc tấn công từ Hoa Kỳ [phá hủy cơ sở hạt nhân] thành công, Bắc Triều Tiên khi đó sẽ đối mặt với câu hỏi sẽ đáp trả như thế nào. Họ có hai lựa chọn:

Thứ nhất, có thể ít xảy ra hơn, Bắc Triều Tiên sẽ tấn công công dân Mỹ tại Hàn Quốc như họ thường đe dọa. Điều này bao gồm các hoạt động bắt cóc và đưa những người này về Bắc Hàn.

Lựa chọn thứ hai có khả năng cao hơn, miền Bắc sẽ sử dụng trận địa pháo binh hạng nặng dọc biên giới với Hàn Quốc để tấn công dữ dội vào Seoul.  Một cuộc tấn công như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và cơ sở hạ tầng, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Đối với Hoa Kỳ, đánh đổi Seoul lấy chương trình tên lửa của Bắc Hàn không phải là một lựa chọn.

Pháo binh Bắc Hàn tập trận
Pháo binh Bắc Hàn tập trận

Nếu điều này xảy ra, Mỹ chắc chắn sẽ đáp trả bằng các đợt phóng tên lửa và không kích bằng máy bay để phá hủy trận địa pháo binh của miền Bắc. Vấn đề đặt ra là nếu Hoa Kỳ chờ đợi để xem Bắc Triều Tiên có nã pháo [vào Seoul] không rồi mới tấn công, thì một sự chậm trễ trong vài giờ như vậy sẽ gây ra tổn thất cho đồng minh Hàn Quốc ở mức không thể chấp nhận được.

Đối với Hoa Kỳ, một cuộc tấn công như vậy đối với đồng minh thân thiết của họ là không được phép. Vì vậy, Washington sẽ phải đặt giả định rằng việc nã pháo vào Seoul là điều mà Bình Nhưỡng sẽ làm. Bắc Triều Tiên đã triển khai các nguồn lực đáng kể cho khả năng này và đã tiến hành các đợt bắn đạn thật để kiểm tra sự sẵn sàng (tất nhiên họ chưa nhắm bắn vào niềm Nam).

Hệ thống phòng không của Bắc Triều Tiên

Do đó, Mỹ phải xem xét các cuộc không kích vào một khu vực chạy dọc theo biên giới hai miền, tiến sâu vào lãnh thổ miền Bắc khoảng 40km. Nói cách khác, Mỹ sẽ phải tàn phá một khu vực cực kỳ rộng lớn một cách nhanh nhất.

 Vấn đề trước tiên đặt ra là các biện pháp phòng không của Bắc Triều Tiên ở khu vực này ra sao. Miền Bắc sở hữu rất nhiều tên lửa đất đối không (SAM), có dấu hiệu cho thấy những tên lửa này đã phát triển tương đương với tên lửa S-300 của Nga. Nếu đúng như vậy, Bắc Hàn có thể nhắm bắn các máy bay Mỹ ở khoảng cách xa hàng vài trăm km.

Vì vậy, để phá huỷ trận địa pháo này thì cần phải trải thảm một lượng bom lớn bằng các máy bay ném bom chiến lược. Phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ này là B-52. Máy bay B-52 có thể mang một lượng lớn bom, đạn và thả bom khá chính xác từ trên cao.

Nhưng khi đó Bắc Triều Tiên có tên các lửa SAM tầm cao và B-52 lại không phải là máy bay tàng hình, nên khả năng B-52 bị bắn rơi là khá cao.

Mỹ còn có các máy bay B-1 và B-2 – trong đó B-2 được nhận định là máy bay tàng hình (vô hình với các radar). Nhưng chưa từng có quốc gia nào thử nghiệm chúng để chống lại một số lượng lớn tên lửa SAM mà Bắc Hàn đang sở hữu. Dù sao đi nữa, Hoa Kỳ không có nhiều chiến đấu cơ sẵn sàng lâm trận, và đối với một cuộc tấn công khu vực, số lượng các cuộc không kích yêu cầu và đòi hỏi về thời gian ngắn để Seoul không bị thiệt hại sẽ là khó chấp nhận.

Trận địa pháo binh dày đặc của Bắc Hàn có khả năng biến Seoul thành bình địa
Trận địa pháo binh dày đặc của Bắc Hàn có khả năng biến Seoul thành bình địa

Phá hủy SAM hoặc đổ bộ mặt đất

Rốt cuộc, Hoa Kỳ chỉ còn lựa chọn là quay lại chiến dịch không quân truyền thống, gọi là cuộc tấn công phá hủy trận địa phòng không của địch (SEAD). Có nghĩa là họ phải phá hủy SAM. Điều này sẽ được thực hiện bởi một số máy bay, đặc biệt là một loại máy bay biệt danh “Wild Weasel – Chồn hoang”. Đây là những chiếc máy bay tấn công được trang bị tên lửa nhắm thẳng vào trong các mạng radar.

Các máy bay này mang theo hệ thống chiến đấu điện tử để phát hiện và gây nhiễu radar. Những tên lửa trang bị trên các máy bay phóng rất nhanh và đi theo chùm xuống để phá huỷ radar tìm kiếm và khiến tên lửa SAM trở nên vô dụng. Tuy  nhiên, cuộc tấn công SEAD như vậy có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, trong thời gian đó pháo binh Bắc Triều Tiên sẽ đổ đạn xuống Seoul. Khi đó, Mỹ hoặc phải chấp nhận khả năng tổn thất các máy bay B-52 hay B-2 (những loại máy bay tàn phá nhanh, nhưng dễ bị bắn hạ) hoặc đành để Seoul bị phá hủy một phần lớn.

Điều đó sẽ mở ra khả năng nữa là Hoa Kỳ sẽ lựa chọn hình thức tấn công mặt đất. Một cuộc đổ bổ mặt đất trực diện có khả năng chịu tổn thất lớn khi phải đối đầu trực tiếp với trận địa pháo binh. Do đó, có thể lựa chọn tấn công từ mạn sườn phía đông, tất nhiên phía miền Bắc sẽ phát hiện được việc chuyển quân này và có thể xoay trục hướng tấn công của pháo binh.

Hơn nữa, Bắc Triều Tiên cũng đã lắp đặt hệ thống vành đai mìn khắp vùng biên giới. Ngoài ra, pháo binh có khả năng phòng thủ ở tầm khá xa, nên việc di chuyển của quân Mỹ vòng ra phía sau đòi hỏi một phạm vi lên tới khoảng hơn 90km.

Như vậy, Bắc Triều Tiên đang có hệ thống phòng thủ rất hiệu quả. Pháo binh của họ là nguy hiểm và có thể nhắm tới thủ đô Seoul – thành phố lớn nhất của Hàn Quốc. Việc phá hủy các cơ sở hạt nhân của miền Bắc, nhưng lại để Seoul bị tàn phá sẽ dấy lên những câu hỏi về khả năng quân sự của Hoa Kỳ, điều này sẽ tạo ra phản ứng ngược. Hoa Kỳ cần chiến thắng [trong cuộc chiến này] vì những lý do chính trị.

Bắc Triều Tiên đang nắm lợi thế

Cũng có khả năng trận địa pháo binh của Bắc Triều Tiên không hùng mạnh như chúng ta đang tưởng tượng. Cũng có thể các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã xác định một giải pháp ít nguy hiểm hơn giả định nêu trên của tôi.

Nhưng thực tế trên bề mặt, Bắc Triều Tiên có thể bỏ qua khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn giành chiến thắng quyết định trước quân đội Mỹ bằng cách phá hủy Seoul và gây thiệt hại nặng nề cho không lực Hoa Kỳ. Theo đó, chế độ nhà Kim sẽ vẫn giữ toàn vẹn và thậm chí còn đáng tin cậy [về sức mạnh quân sự] hơn trước.

Bắc Triều Tiên có thể không khởi xướng một cuộc đáp trả. Nhưng Washington không biết ý định của Bình Nhưỡng là gì, và kế hoạch của miền Bắc có thể cũng thay đổi. Dù sở hữu lực lượng tình báo tốt nhất thế giới, Hoa Kỳ vẫn cần thời gian để phá hủy một trận địa SAM dày đặc, nhưng Seoul thì không có thời gian.

Bắc Triều Tiên biết điều đó và tính toán rằng họ đang có lợi thế hơn [Hoa Kỳ và đồng minh].

Tác giả: George Friedman

George Friedman là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất theo thống kê của New York Times, trong đó có cuốn ‘The Next 100 Years’. Ông cũng thành lập công ty tư vấn trí tuệ địa chính trị Stratfor vào năm 1996 và hiện là người sáng lập và là Chủ tịch của dịch vụ dự báo địa chính trị, Geopolitical Futures.

Tân Bình dịch

Xem thêm: