Tháng 5/2017, trên CNN tôi đã tranh luận với một bình luận viên theo đường lối tự do (liberal). Cô ta phê phán kế hoạch ngân sách của Tổng thống Trump là có vấn đề, nó không có “tình thương” dành cho người nghèo, trẻ em và người tàn tật. Người phụ nữ này đã hỏi tôi rằng làm thế nào tôi có thể ủng hộ một kế hoạch ngân sách mà cắt đi ngân quỹ cho chương trình “Các bữa ăn trên Bánh xe – Meals on Wheels”, các chương trình sau giờ học và các khoản tài trợ đặc biệt, bởi vì nếu không có tiền từ chính phủ liên bang, những chương trình quan trọng này sẽ biến mất.

Tư tưởng cho rằng hành động của chính phủ là biểu hiện cho tình thương là đi ngược lại và trái ngược với quan niệm của Cơ đốc giáo về lòng bác ái.

Tất cả chúng ta, với tư cách cá nhân, có thể và nên hành động từ thiện và nguyện ý giúp đỡ người khác. Chúng ta có thể tình nguyện đóng góp thời gian, công sức và tiền bạc để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Chúng ta có thể cho người khác ăn khi họ đói và cho vô gia cư nơi ở. Hầu hết nhân loại đều cảm thấy bản thân có trách nhiệm đạo đức và luân lý để làm như vậy –  “làm cái gì đó cho người khác”.

Người Mỹ chúng ta thực hiện bổn phận đó nhiều hơn người dân của hầu hết các quốc gia khác. Tất cả các số liệu thống kê quốc tế chỉ ra rằng người Mỹ  tham gia nhiều nhất vào các hoạt động tình nguyện và cứu trợ khi có sự cố xảy ra. Bất cứ khi nào có một cuộc khủng hoảng quốc tế như động đất, lụt lội, chiến tranh; người Mỹ gửi trợ giúp nhiều hơn công dân của bất kỳ quốc gia nào khác.

Xét về chính phủ, bản chất của nó không phải là từ bi, nó cũng không được xây dựng để phục vụ mục đích từ thiện. George Washington đã từng nói: “Chính phủ không phải là chân lý, cũng chẳng phải là lẽ phải, nó là sức mạnh. Giống như lửa, sức mạnh này có thể vừa là một đầy tớ nguy hiểm, vừa là một ông chủ đáng sợ”.

Để chính phủ có một đô la giúp ai đó, nó buộc phải lấy từ một người khác. Bản chất của phúc lợi xã hội từ chính phủ được xác lập trên cơ sở tình thương giả tạo. Điều này không có nghĩa là chính phủ không bao giờ nên có hành động giúp đỡ người dân [trong những trường hợp khẩn cấp, tất nhiên]. Nhưng những hành động này là luôn dựa trên sự ép buộc, chứ không phải tự nguyện.

Những người liberal tỏ ra đặc biệt bối rối về vấn đề này. Họ tin rằng bằng cách ủng hộ chính sách của chính phủ, lấy tiền từ người này và trao cho người khác, họ chứng tỏ được tình thương và lòng bác ái của bản thân mình. Nó xoa dịu lương tâm và cái tôi của họ.

Nhưng vấn đề là tại sao họ không tự bỏ tiền túi của mình để làm từ thiện, thay vì vận động cho một chương trình chính phủ móc túi từ những người có thể không nguyện ý? Chúng ta có đầy những tỷ phú, triệu phú theo đường lối tự do cơ mà. Chỉ cần hỏi bà Hillary Clinton đưa ra danh sách các nhà tài trợ của bà và hàng triệu, hàng tỷ đô la sẽ được xếp chồng nhanh chóng. Nếu tất cả các “nhà triệu phú yêu nước” (tạm gọi như vậy) hiến tặng một nửa của cải của họ để phục vụ cho người khác, chúng ta có thể giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội ở đất nước này mà không phát sinh thêm nợ công hoặc phải thu thêm thuế. Bạn của tôi, ông Arthur Brooks, Chủ tịch của Viện doanh nghiệp Hoa Kỳ, đã đưa ra một thực tế trong cuốn sách “Ai thực sự quan tâm – Who Really Cares” của mình, rằng những người theo đường lối bảo thủ (conservative) quyên tặng cho từ thiện nhiều hơn những người theo đường lối tự do.

hillary obama 2
(ảnh: Marc Nozell/Flickr)

Bản chất niềm tin của những người theo phái tự do thực ra là: Chúng tôi quan tâm đến người nghèo, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập, bảo vệ môi trường hoặc bất cứ điều gì xảy ra hàng ngày đến mức mà không có giới hạn về số tiền mà chúng tôi muốn móc từ ví của những người khác.

Chúng ta hãy thử nói về chương trình ‘Meals on Wheels’. Đây có phải là một chương trình có giá trị, mang bữa trưa hoặc bữa tối bổ dưỡng tới những người già tật nguyền? Tất nhiên là có. Nhưng chúng ta có cần chính phủ dùng tiền thuế quốc gia chi cho chương trình này không? Tất nhiên là không cần. Cá nhân tôi đã từng tham gia vào hoạt động ‘Meals on Wheels’ này và nhiều chương trình khác. Chúng tôi tự nguyện làm những chiếc bánh mì kẹp hoặc cung cấp bữa trưa cho những người khó khăn, kém may mắn. Có hàng vạn người cũng như tôi, đã tình nguyện cho đi thời gian và tiền bạc hàng ngày cho lý do xứng đáng này.

Tại sao lại cần bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính phủ ở đây? Chương trình này tự nó có thể hoạt động tốt. Các nhà tự do nói rằng không có đủ tiền để giúp mọi người. Nhưng ép buộc chính phủ vào hoạt động này chỉ khiến người ta ít nhân ái với nhau hơn. Bởi vì tâm lý “tôi đã nộp thuế rồi”, và ai muốn tự nguyện giúp đỡ nhau nữa khi chuyện đó đã có chính phủ lo?

Hơn nữa, các quan chức chính phủ với động cơ làm việc không phải là vì từ thiện thường sẽ khiến kết quả các chương trình này đình trệ, thêm vào đó là quy định rắc rối của chính quyền liên bang. Tại sao chính phủ liên bang buộc phải tài trợ cho các chương trình sau giờ học hoặc bất kỳ chương trình nào của trường học về vấn đề từ thiện?

Một trong những câu chuyên yêu thích của tôi về lịch sử Mỹ là mẩu chuyện ngắn về Đại tá Davey Crockett, người đã từng chiến đấu với quân Mexico tại Alamo. Ông phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ hồi thế kỷ 19. Khi đó xảy ra một thảm hoạ thảm khốc, Quốc hội muốn phê duyệt một khoản ngân sách 20.000 USD (trị giá rất lớn vào thời điểm đó) để giúp đỡ các nạn nhân hỏa hoạn. Đại tá Crockett đã bước lên bục của Hạ viện và trình bày bài phát biểu nổi tiếng của ông – cho đến nay nó vẫn còn rất nhiều giá trị. Ông nói:

Tôi sẽ không sa vào tranh luận để chứng minh rằng Quốc hội không có quyền sử dụng số tiền ngân sách này vào hoạt động từ thiện. Mọi thành viên trong khán phòng này biết điều đó. Nhưng chúng ta có quyền này, với tư cách cá nhân, quyền cho đi bao nhiêu tiền chúng ta muốn cho hoạt động từ thiện; nhưng với tư cách các thành viên của Quốc hội chúng ta không có quyền chi dù chỉ là một đô la tiền công quỹ…”

Thưa ông Chủ tịch Hạ viện, tôi đã nói chúng ta có quyền cho tặng bao nhiêu tiền túi của mình mà chúng ta muốn. Tôi là người nghèo nhất trong phòng này. Tôi không thể bỏ phiếu ủng hộ dự luật này, nhưng tôi sẽ tặng một tuần lương của mình cho dự án này, và nếu mỗi thành viên Quốc hội chúng ta sẽ cùng làm như vậy, chúng ta sẽ có được khoản tiền còn nhiều hơn dự luật yêu cầu [từ ngân sách]”.

Rốt cuộc, ông Davey Crockett là nghị sĩ duy nhất trong Quốc hội đã quyên tiền cá nhân cho các nạn nhân bị hỏa hoạn, trong khi đó những thành viên khác của Quốc hội, những người tỏ ra quan tâm và yêu thương nạn nhân tới mức đòi thông qua dự luật cấp ngân sách lại không bỏ ra một xu tiền túi của họ.

Câu chuyện trên cho thấy rằng “những nhà từ thiện” phái tự do khi đó đã là những kẻ đạo đức giả, và bây giờ vẫn vậy.

Tác giả: Stephen Moore

Ông Stephen Moore là nhà tư vấn kinh tế độc lập và một chuyên gia thỉnh giảng tại Quỹ Di sản.

Xem thêm: