Ảnh minh hoạ (phatluatgiaothong.vn)
Ảnh minh hoạ (phatluatgiaothong.vn)

Những ngày cuối tuần, các trang báo xôn xao với ảnh phóng viên báo Tuổi Trẻ bị hành hung trên cầu Nhật Tân. Người hành hung là những công an hình sự huyện Đông Anh đang làm việc tại hiện trường một lái xe taxi bị phát hiện chết dưới chân cầu.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà báo bị hành hung trong lúc làm nhiệm vụ, và đây cũng không phải lần đầu tiên công an dùng nắm đấm với người dân. Có vụ đã ra tòa, đối tượng vị phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật. Gần đây nhất, cựu CSGT Phạm Sỹ Hoài Như vừa bị tòa tuyên phạt 12 năm tù vì gọi giang hồ đến đánh chết người vi phạm giao thông; Nguyễn Đức T. (học sinh lớp 4) đã bị Công an xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh vì cô giáo mất điện thoại… và nhiều vụ việc trước đó.

Có một thực tế không thể phủ nhận, những câu chuyện như vậy như nhát dao đâm vào tim người dân, khiến cho hình ảnh ngành công an trở nên tiêu cực. Người dân thậm chí lựa chọn cách sống tránh càng xa lực lượng công vụ càng tốt; hay chọn xử lý trộm cắp hay mâu thuẫn kiểu “luật rừng” thay vì báo công an. Điều đó thật nguy hiểm.

Tôi rất sợ một ngày nào đó xã hội rơi vào cảnh hỗn loạn. Chỉ tưởng tượng xã hội không có các lực lượng an ninh trong một ngày, hay chỉ vài giờ thôi, mọi thứ sẽ đảo điên loạn lạc như thế nào. Những người phụ nữ chân yếu tay mềm và trẻ em sẽ là nạn nhân đầu tiên và thảm hại nhất. Nhìn những cô gái trẻ bị vây hãm quấy rối khi công viên nước Hồ Tây “thất thủ” mà tôi khiếp đảm. Chắc chắn các lực lượng an ninh đều không thể thiếu vắng trong bất kỳ xã hội nào.

Thế nhưng các cảnh sát, nhân viên an ninh – được trông đợi là những người đồng hành, bảo vệ người dân – hiện nay không chỉ phải đối mặt với tội phạm, mà còn phải đối mặt với nhiều người dân nữa. Khi chiến sĩ CSGT Nguyễn Quốc Đạt bị xe tải vi phạm kéo lê dưới đường, cơ thể bầm dập nhuốm máu, bên cạnh những lời bình luận phẫn nộ, xót thương, vẫn có lời cay độc hả hê. Người ta dường như quên mất dưới sắc phục là con người, một đồng loại của mình đang đau đớn.

Có thể giải thích đây là cách người dân quy chiếu những bức xúc của họ với các vụ việc mà một số công an đã gây ra, khiến cho cả một ngành nghề mấy chục nghìn người bị ảnh hưởng. Sẽ chẳng có gì đau xót hơn nếu một ngày chiến sĩ công an bị tội phạm tấn công mà lại không nhận được sự giúp đỡ che chở của người dân; hay một lúc nào đó có sự hỗn loạn, nhân viên công lực lại là đối tượng đầu tiên bị người dân trút giận, hay họ chọn các hành động đen, thế lực đen để bảo vệ họ. Sẽ là thảm họa cho tất cả.

Nhìn từ ngành chúng tôi – báo chí – thi thoảng lại xuất hiện một “con sâu” mang danh nhà báo đi vòi vĩnh doanh nghiệp, lợi dụng hoàn cảnh người dân để vòi tiền kiếm chác, phải ra toà chịu hình phạt của pháp luật. Những lúc đó các nhà báo khác đều đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ, khinh bỉ và tẩy chay những kẻ vốn là đồng nghiệp của họ.

Vì sao? Vì trước hết các nhà báo được trông cậy là những người tôn trọng sự thật, công lý và những giá trị tốt đẹp, nhưng những người đó đã làm hoen ố sự trông đợi đó. Họ phẫn nộ không hẳn vì để thể hiện “ta đây không giống nó, ta là người tốt” mà vì điều xấu đó sẽ tác động xấu, đem nguy cơ xấu, tạo tiền đề xấu cho họ.

Chẳng ai muốn vì những “con sâu” ấy mà ra đường bị gọi là “thằng, con” nhà báo. Chẳng ai muốn đến hiện trường hay đi tiếp xúc quần chúng mà nhận được thái độ xa lánh khinh ghét, nặng nề hơn là xúc phạm hành hung, chỉ vì một đồng nghiệp của mình đã làm những việc tệ hại ở nơi đó, với những người ở đó và để lại hậu quả cho tất cả những người mang danh nhà báo.

Hẳn nhiên trong ngành công an cũng vậy. Để không tạo tiền đề xấu cho công việc của mình, ngành của mình, chỉ có cách xử phạt những trường hợp xấu nghiêm minh, đúng pháp luật. Nhân viên công vụ, đặc biệt nhân viên cấp cơ sở như công an xã lại càng cần những người nhã nhặn, hành xử đúng đắn để người dân tin yêu người bảo vệ mình.

Và đừng quên, trước khi là nhà báo, công an, doanh nhân hay công chức… CHÚNG TA LÀ CON NGƯỜI.