Người Pháp bắt đầu chiếm Nam kỳ (miền Nam nước Việt Nam, thuở ấy được gọi là Đại Nam) từ năm 1858 và suốt 30 năm sau chiếm cả miền Trung và miền Bắc – cùng với Campuchia và Lào – để lập ra thuộc địa mang tên Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise).

sai gon xua 3
Con đường Catinat nhộn nhịp thời ấy. Sau năm 1954, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, đường được chính quyền VNCH đổi tên thành đường Tự Do. Sau năm 1975, con đường được đổi tên thành Đồng Khởi cho tới nay. (Ảnh: Tạp chí Life)

Ý đồ lập ra một thuộc địa của Pháp ở Đông Nam Á đã nảy sinh từ cuộc cạnh tranh với thực dân Anh vào thời kỳ này: nếu như người Anh có một thuộc địa là đất nước Ấn Độ được ví như “Đá quý trên Vương miện” (Jewel in the Crown) của Nữ hoàng Anh thì người Pháp cũng phải có “Hòn ngọc Viễn Đông” là Đông Dương thuộc Pháp. Thành phố Sàigòn được thành lập từ năm 1859 ở Nam kỳ đã nhanh chóng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” (Perle de l’ Extrême- Orient) – tên gọi vốn dùng để chỉ cả Đông Dương – và giữ mãi biệt danh ấy từ thời Pháp thuộc cho đến suốt 21 năm của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa.

Tên gọi Sài gòn đã có rất lâu trước khi thành phố Sài gòn rơi vào tay thực dân Pháp. Trong tác phẩm khảo cứu “Đất Sài gòn và sinh hoạt của người Sài gòn xưa” (DTBooks ấn hành tháng 11 năm 2017), nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho biết: “Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu chính thức hóa việc cai trị Sài gòn và những vùng phụ cận. Đến nửa sau thế kỷ 18, trong cuộc xung đột ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân các chúa Nguyễn, nhiều lần Sài gòn lọt vào tay quân Tây Sơn, đến năm 1788, thành phố này mới thật sự nằm dưới quyền kiểm soát của chúa Nguyễn Ánh“.

dat sai gon va sinh hoat cua nguoi sai gon xua.450x652.w.b 1
Cuốn “Đất Sài gòn và sinh hoạt của người Sài gòn xưa” (Lê Nguyễn, NXB Hội Nhà văn, 2017)

Về địa danh Sài gòn, ngoài bộ “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, bộ “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức cũng có nhắc đến một trận đánh diễn ra vào năm 1675, trong đó các tướng của chúa Nguyễn chiếm lấy “các đồn lũy ở Sài Côn, Gò Bích, Nam Vang”. Căn cứ vào những tư liệu trên, có lẽ danh xưng Sài gòn đã xuất hiện từ rất lâu, trước cả năm chúa Nguyễn sai lập phủ Tân Bình. Địa danh này được giải thích về phương diện từ nguyên theo nhiều cách khác nhau:

1. Theo “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Sài là củi thổi, Côn là loại cây có bông nhẹ, xốp, thường được dùng dồn gối, nệm, người miền Bắc gọi là cây bông gạo. Tác giả Jean Bouchot cho rằng từ Sài gòn là cách nói trại đi của từ Kai-gon, có lẽ đây là phiên âm ra tiếng Pháp của từ Việt “cây gòn” dùng mô tả vùng Sài gòn khi xưa, nơi dân cư thường trồng cây gòn làm hàng rào bao quanh nhà. Khi quân chúa Nguyễn đến đóng tại Sài gòn, còn thấy những cây gòn trồng dọc theo các ụ quanh đồn lũy của người Chân Lạp…

2. Cách giải thích thứ hai cho rằng địa danh Sài gòn bắt nguồn từ cách gọi Prei- Nokor hoặc Prei-Kor của người Khmer (Chân Lạp). Prei có nghĩa là rừng, Nokor là thành thị, kinh thành; Prei- Nokor là rừng kinh thành. Còn Kor tiếng Khmer có nghĩa là bò hay gòn, Prei- Kor là rừng bò hay rừng gòn.

3. Một cách lý giải nữa dựa vào những biến động lịch sử nửa sau thế kỷ 18, cho rằng khi quân đội Tây Sơn tiến chiếm Gia Định, đánh đuổi chúa Nguyễn vào năm 1778, các thương nhân người Hoa đang sinh sống tại Cù Lao Phố, Biên Hòa, sợ hãi trước đường lối rất cứng rắn của nhà Tây Sơn đối với thương buôn, nhất là thương buôn người Hoa, nên kéo nhau về lánh nạn ở vùng Chợ Lớn ngày nay mà họ gọi là “Thầy Ngòn” (tiếng Quảng Đông) và từ đó người Việt phiên âm ra là Sài gòn. Cách lý giải này ít có tính thuyết phục vì có nhiều khả năng từ Sài gòn xuất hiện trước năm 1698, do đó phải nói rằng người Hoa gọi Thầy Ngồn theo âm Sài gòn có sẵn trước năm 1788 chứ không thể có trường hợp ngược lại…” (Đất Sài gòn và sinh hoạt của người Sài gòn xưa, tr. 39, 40, 41)

Theo facebook Huỳnh Duy Lộc

Xem thêm: