“Nguy cơ tháng Tư” trên bán đảo Triều Tiên đã qua, nhưng tình hình căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang. Theo truyền thông Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận Kim Jong-un và người cha Kim Jong-il với những quan điểm khác nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như không coi ông Kim Jong-un là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Từ khi ông Kim Jong-un nhậm chức đến nay, Kim và Tập đều không liên lạc và qua lại với nhau.

Ngày 24.4, tờ báo lớn nhất Hàn Quốc JoongAng Ilbo (The Central Times) có bài phân tích cho rằng quan hệ Trung Triều dưới thời Tập – Kim hiện đang nguội lạnh hơn bao giờ hết. Ông Tập Cận Bình cũng chưa bao giờ có động thái chính thức công nhận vị trí lãnh đạo tối cao của Kim Jong Un, một điều khiến Kim luôn giữ thái độ hằn học với Bắc Kinh.

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un chưa từng gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Từ khi Trung-Triều thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1949 đến nay thì đây là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc không mời người đồng cấp Triều Tiên tới hội kiến. Theo tờ báo Hàn Quốc, giữa hai vị lãnh đạo này gần đây đang tiến hành chiến tranh tâm lý căng thẳng. Từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Kim Jong-un đã tiến hành thử hạt nhân ba lần, đặt ông Tập vào thế khó xử. Cộng đồng quốc tế bao gồm cả Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã “không răn đe” được Bắc Hàn và luôn gây áp lực lên ông Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đã cảnh cáo ông Kim Jong-un vài lần tuy nhiên ông này không hề quan tâm.

Từ tháng Hai năm nay, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên và tiến hành gây áp lực lên ông Kim Jong-un. Trong kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc, than đá chiếm 34%, lệnh cấm này đã tạo ra một cú sốc lớn đối với Triều Tiên. Gần đây, mặc dù chưa có phát lệnh chính thức nhưng có vẻ như người Trung Quốc cũng bị cấm đến Triều Tiên du lịch. Trước đó mỗi năm có gần 180.000 du khách Trung Quốc đến Triều Tiên, chiếm tỷ lệ 80% khách du lịch nước ngoài đến quốc gia biệt lập này.

Central Times nhận định, khác với các thái độ của các lãnh đạo khóa trước của ĐCSTQ đối với những người đồng cấp phía Triều Tiên, ông Tập Cận Bình dường như không coi ông Kim Jong-un là người xứng đáng ngồi ở vị trí lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Ông Kim Jong-un thiếu kinh nghiệm chính trị, lại còn thực hiện các hành vi thanh trừng vi phạm trào lưu hiện đại. Hơn nữa nếu ông Tập Cận Bình mời một Kim Jong-un đang phát triển vũ khí hạt nhân đến thăm Trung Quốc thì cũng có thể trở thành trò cười cho cộng đồng quốc tế.

Dĩ nhiên, ông Kim Jong-un cũng rất bất mãn với ông Tập Cận Bình. Ông ta rất không hài lòng vì ông Tập mãi không thừa nhận sự chính danh của ngôi vị lãnh tụ Triều Tiên của ông ta giống như các lãnh đạo đời trước, hơn nữa còn chỉ trích bóng gió rằng Bắc Kinh đang “nhảy cùng điệu với Mỹ”. Tình thế đặt ông Kim vào nước cờ chỉ có thể tin tưởng chính mình và muốn dần dần thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngày 12.4, Đài Phát thanh Á Châu Tự Do đưa tin, ngay sau ngày gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 8.4 đội tàu sân bay chiến đấu Carl Vinson của Mỹ ở vịnh Ba Tư đột nhiên quay đầu lại hướng về phía bán đảo Triều Tiên. Đây là thành quả của cuộc gặp giữa Trump và Tập, là minh chứng rằng ông Tập Cận Bình đã ngầm thừa nhận chuyện ông Trump sẽ “động thủ” với ông Kim Jong-un. Trong cuộc nói chuyện trước khi hội đàm, Mỹ cũng đã đạt được cam kết từ phía Trung Quốc, không khí cuộc họp diễn ra rất tốt, đã giải quyết được lựa chọn quân sự cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ông Donald Trump đã gặt hái được sự đồng thuận từ phía của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Về phía của ông Kim Jong-un, mặc dù tiến hành cuộc tổng động viên cả nước, nhưng ông Kim vẫn biểu lộ sự sợ hãi bằng lá thư gửi cho các nước ASEAN để yêu cầu giúp đỡ, nhờ “đưa ra đánh giá công bằng“.

Về phần ông Tập Cận Bình mà nói đã cực kỳ khó chịu đối với ông Kim Jong-un. Ông này lần lượt ám sát chú ruột và anh trai Kim Jong-nam được Trung Quốc bảo hộ. Kể từ khi hai bên nhậm chức cho đến nay, ông Tập cũng không hề đả động điện đàm hay tỏ ý muốn gặp trực tiếp Kim Jong Un. Ông Tập chỉ là bị phụ thuộc vào hình thái và ý thức hệ chính trị của hai nước nên không tiện thể hiện rõ ra. Nếu ông Trump ra tay với ông Kim Jong-un, xét về một phương diện nào đó cũng là giúp ông Tập giải quyết một mối lo lớn trong tâm.

Văn Tân

Xem thêm: