Trong làn sóng phản đối Trump làm Tổng thống Mỹ hiện nay, liệu ông sẽ kiên định lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc hay sẽ trở lại phương thức nhân nhượng của nhiều chính khách tiền nhiệm?

Donald Trump

Năm 2015, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ H. M. Paulson từng xuất bản cuốn sách «Giao dịch với Trung Quốc» (Dealing with China), theo đó cho rằng nên ứng xử với Trung Quốc như xưa nay vẫn từng làm. H. M. Paulson từng là Tổng giám đốc công ty Goldman Sachs nổi tiếng toàn cầu, từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính thời Tổng thống Bush (con), sau đó làm Chủ tịch Quỹ Paulson, ông viết cuốn sách này bằng quá trình trải nghiệm làm ăn với Trung Quốc qua ba vai trò khác nhau: thương nhân, quan chức, và NGO.

Qua quan sát tình hình kinh tế Trung Quốc, tác giả cho rằng khó khăn chủ yếu của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là cải cách thị trường tài chính và doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ đối diện nguy cơ vì vay tiền quá nhiều, hiểm họa vỡ hệ thống tài chính Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp tín thác chỉ là vấn đề thời gian, cho đến lúc không thể chịu nổi gánh nặng nợ và lỗ nặng trong hoạt động tín dụng. Vấn đề chỉ là tổn hại ở mức độ như thế nào và có thể tránh được cuộc khủng hoảng tài chính gây thảm họa cho nền kinh tế không.

Theo ông Paulson, vì Trung Quốc đang thực hiện chính sách đa nguyên trên mọi mặt với mục đích trở thành một siêu cường hiện đại, nên quan hệ Trung – Mỹ ngày càng phức tạp, hiện nay hai nước đang thách thức nhau cả về trước mắt cũng như lâu dài ở trình độ chưa từng có. Ông Paulson hy vọng hai nước duy trì đối thoại và thông hiểu lẫn nhau theo con đường hợp tác hòa bình, dù ông rất hiểu tình trạng chia rẽ giữa hai nước, cạnh tranh vũ lực đang ngày càng quyết liệt, cả hai nước đều đứng trước cục diện căng thẳng về an ninh quốc gia và gặp muôn vàn khó khăn trong cải cách và điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế trong nước.

Ông Paulson cũng nhận định nền kinh tế Mỹ đang ngưng trệ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, lo lắng về tình trạng cạnh tranh không công bằng của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Trung Quốc, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ. Ông nhận thấy quá nhiều người Mỹ bắt đầu đồng tình cho rằng “nước Mỹ không được lợi gì trong thương mại quốc tế, bao gồm cả quan hệ mậu dịch với Trung Quốc”,  nhưng theo ông, đây là quan điểm vô cùng sai lầm và nguy hiểm.

Trong sách, ông Paulson đã đề xuất bộ nguyên tắc lý luận về quan hệ thương mại Trung – Mỹ trong tương lai để tham khảo, tác giả hy vọng giới doanh nghiệp hai bên đều được hưởng lợi qua những nguyên tắc này.

Theo cách nhìn của ông, nên giúp Trung Quốc thực hiện con đường cải cách, nắm bắt cơ hội giúp đỡ Trung Quốc trong những vấn đề mà nước này phải đối diện, không nên xem Trung Quốc như kẻ thù vì cách ứng xử này có lợi cho nước Mỹ, dù sao Trung Quốc cũng rất quan trọng, sự sụp đổ của Trung Quốc là rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, chủ trương và kiến nghị của H. M. Paulson e rằng rất khó được Trump đồng tình.

Tổng thống Trump là người cùng quan điểm với tác giả «Chết bởi Trung Quốc» (Death by China) là học giả kinh tế học Peter Navarro, vì thế đã bổ nhiệm Peter Navarro phụ trách Ủy ban Thương mại Quốc gia, chính sách trọng dụng và bổ nhiệm người là đồng quan điểm như thời Reagan. Rất nhiều khả năng Trump sẽ áp dụng chính sách đối với Trung Quốc dựa theo cuốn «Chết bởi Trung Quốc».

Vì không khó để nhận ra, qua lịch sử cải cách gần 40 năm nhưng cách tư duy của giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn không khác là mấy. Chỉ khi nào thể chế hiện tại của Trung Quốc sụp đổ thì mới có thể áp dụng phương thức “quan hệ với Trung Quốc” theo kiến nghị của H. M. Paulson.

Trước đây ông Trump luôn kiện định con đường cứng rắn với Trung Quốc, liệu sau khi làm tổng thống ông ấy có thay đổi cách nghĩ không? Tôi cho rằng không bao giờ!

Theo Ngô Huệ Lâm

Xem thêm: