Các bác sĩ bây giờ bất lực nhiều lắm… Không tin, bạn có thể nhìn vào ảnh bên dưới.

khang-khang-sinh-vn
(ảnh: bác sĩ Dương Minh Tuấn)

Đây là ảnh chụp kết quả kháng sinh đồ của một bệnh nhân trong thành phố Hồ Chí Minh. Có thể thấy rằng loại vi khuẩn gây bệnh cho bệnh nhân này đã kháng hết các loại kháng sinh chỉ trừ hai loại. Một loại trong số này là colistin vốn chỉ dùng trong thú y nhưng vì tình trạng kháng thuốc nên đem ra cho người dùng – tức là lợn và người bây giờ dùng cùng loại thuốc. Loại này 100 người dùng thì 42 người suy thận. Nhưng không dùng thì bệnh nhân sẽ chết.

>> Video thí nghiệm: Vi khuẩn phát triển thành siêu vi khuẩn chỉ trong 11 ngày

Sự bất lực của bác sĩ là chẩn đoán được, có khả năng điều trị được, biết cách điều trị nhưng không thể làm gì vì kháng thuốc.

Bà con cô bác gần xa khi dùng thuốc thì nhớ giúp mấy điều đơn giản sau, rất dễ thực hiện thôi mà lại vô cùng có ích. Mong mọi người bỏ chút thời gian quý báu ra đọc, thế nào cũng có lúc dùng đến.

(1) Khi ốm thì đi khám bác sĩ, đừng tự mua thuốc uống ở nhà. Ở Việt Nam mình khi ốm hay chạy ra hiệu thuốc để người bán vừa chẩn đoán, vừa kê đơn. Thói quen này rất không tốt, cần phải bỏ. Cũng đừng nghe truyền miệng bị bệnh này uống cái này cái kia là khỏi. Xót xa vô cùng cho rất nhiều bệnh nhân chỉ vì uống thuốc theo kiểu truyền miệng mà để lại những hậu quả nặng nề, đúng là người mà chẳng còn được 3 phần người nữa.

(2) Khi bác sĩ kê đơn, các bạn nên chủ động hỏi về các loại thuốc, tác dụng và tác dụng phụ của từng loại. Đừng ngại hỏi. Hỏi nhẹ nhàng đúng cách thì chẳng ai phiền gì mà không trả lời bạn đâu.

(3) Google bây giờ rất sẵn, tự lên mạng để tra tên thuốc, phân loại, tác dụng. Thời đại công nghệ thông tin, cái gì cũng tra được hết. Nhưng vì thông tin mở nên cũng phải tìm hiểu đúng nguồn. Trang mình thấy khá hay là dieutri.vn.

Nhưng mình lưu ý, không phải tra Google là thành bác sĩ. Tất cả thông tin trên mạng chỉ là tham khảo mà thôi. Nếu ai cũng google chữa bệnh được thì bác sĩ thất nghiệp hết. Mà bác sĩ thì suốt ngày làm không hết việc, một phần là phải đi giải quyết hậu quả của bác sĩ Google. Nên nhớ nhé, mạng Internet là ảo còn mạng của mình là thật. Đừng phó mặc cái thật cho cái ảo.

(4) Tuyệt đối tuân thủ đơn của bác sĩ: uống đúng loại, uống đủ thời gian, uống đúng cách. Người Việt Nam ta rất hay, thuốc kê 5 hôm uống 3 hôm hết triệu chứng thì không uống nữa vì ‘khỏi rồi uống làm gì’, mà nếu 3 hôm không thấy đỡ mấy cũng không uống nữa ‘không đỡ uống làm gì’. Uống thuốc luôn luôn phải đủ liều. Và cũng phải đúng giờ giấc quy định nữa, chứ tuyệt đối không được kiểu hôm trước quên hôm sau uống bù. Uống là uống, không nhai không cắn thuốc, viên con nhộng phải để nguyên vỏ uống không được tháo vỏ ra. Thuốc nào uống trước ăn là phải uống trước ăn, sau ăn là phải uống sau ăn. Nhưng trước hay sau không phải là ngay sát nhé. Trước tối thiểu là 30 phút, sau tối thiểu là 1 tiếng.

(5) Nếu không khỏi bệnh, có thể đi khám lại hoặc đi khám chỗ khác tùy bạn. Nhưng nên mang theo đơn thuốc cũ để bác sĩ biết là bạn đã dùng thuốc gì, ví dụ kháng sinh không còn nhạy cảm thì phải đổi loại khác. Đặc biệt ghi nhớ những loại thuốc mình bị dị ứng để báo lại với bác sĩ tránh dùng những loại đó.

Trong sách đào tạo bác sĩ của trường Đại học Y Hà Nội, các thầy đã phải nhắn nhủ bằng những dòng tâm huyết:

“Trong cuộc chạy đua giữa những nỗ lực phát minh ra kháng sinh mới của con người và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn thì cho đến nay, vi khuẩn vẫn luôn giành phần thắng.”

Những chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc như trong ảnh là minh chứng rõ ràng. Đó đã là thực tế chứ không còn là nguy cơ nữa.

Vậy nên, mong tất cả mọi người khi dùng thuốc – đặc biệt là thuốc kháng sinh – làm theo mấy điều chia sẻ đơn giản ở trên. Không khó, không phức tạp, không tốn kém, không mất thời gian. Vậy sao chúng ta không làm?

Nguồn: FB Thanh Tran
Tiêu đề được biên tập viên đặt lại

Xem thêm: