Ảnh minh họa (maudonxinviec.org)
Ảnh minh họa (maudonxinviec.org)

Một đôi lần tâm sự với ông Giản Tư Trung, Hiệu trường Trường Doanh Nhân PACE, tôi rất tâm đắc khi nghe ông nói về một “căn bệnh” mà rất nhiều công ty Việt cùng mắc phải được các học viên của ông gọi đùa là “hội chứng Gi-la-na”: Gặp cái Gì là Làm cái Nấy. Hội chứng này chính là một trong những căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt Nam mà hậu quả nhãn tiền là hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phá sản, hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động cũng đối mặt với nguy cơ này .

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng lao vào mọi lĩnh vực mà họ có thể nắm bắt cơ hội để tạo ra sự thành công nhất định nhưng có nhiều người tự hỏi: Cuối cùng doanh nghiệp đó đang kinh doanh trong lĩnh vực nào? Và chuyện gì đến cũng phải đến. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, nhiều doanh nhân đã cố gắng xoay sở nhiều hơn trong khi nguồn thu duy nhất lúc này là lĩnh vực cốt lõi đã bị bỏ bê quá lâu nên thị phần bị mất đi nhiều, công nghệ đang bị lạc hậu và người tiêu dùng đang dần quên mất họ trong lĩnh vực kinh doanh đó.

Từ thực tiễn làm công tác lãnh đạo và giảng dạy tại Trường Doanh nhân PACE, ông Giản Tư Trung nhận ra rằng hơn một thập kỷ hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam ai cũng nghĩ mình hiểu thấu đáo về những lựa chọn đơn ngành hay đa ngành trong lĩnh vực kinh doanh. Ai cũng tin rằng mình đang hết sức tỉnh táo trong việc chỉ chớp lấy cơ hội trong ngắn hạn để sau đó quay lại định hướng lâu dài của mình. Vậy mà, những doanh nghiệp đang bị “hội chứng Gi-la-na” là rất đông và có xu hướng ngày càng đông hơn.

Doanh nghiệp nào cũng thích chứng khoán, bất động sản… Điều này không có gì xấu, bởi nó mang lại lợi nhuận lớn và nhanh, nhưng liệu có thực sự phù hợp với chiến lược dài lâu của công ty. Doanh nghiệp nào cũng tiếc những cơ hội quá đẹp đang xuất hiện trước mắt mình. Nhiều “tập đoàn” được hình thành với hàng loạt công ty con đẻ ra mà chưa kịp nuôi lớn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong ngắn hạn khi chớp được cơ hội gì thì ta sẽ ráng chớp lấy, hay khi khó khăn thì trước mắt cứ làm bừa… sau đó sẽ quay về với năng lực lõi, sau đó thành công rồi sẽ làm tử tế…. Nhưng lúc đó quay về năng lực lõi và giá trị gốc liệu có còn kịp, lúc đó làm đàng hoàng liệu có còn ai tin?”, ông Giản Tư Trung nói.

Nhìn xa hơn một chút, sang những đại công ty của thế giới. Hãng xe hơi Ford hay hãng giải khát Coca-cola chẳng hạn. Hàng trăm năm, họ chỉ kiên định đi theo con đường duy nhất mà mình đã chọn. Bởi những trải nghiệm thực tế của sự phát triển giúp họ hiểu rằng, chỉ có thể tạo nên sự phát triển lớn mạnh và trường tồn khi xắn tay áo thực hiện điều mà mình giỏi nhất, yêu thích nhất.

Trở lại Việt Nam, ngành kinh doanh dịch vụ taxi hiện nay có đông đảo các doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, hai công ty dẫn đầu ngành là CTCP Tập đoàn Mai Linh và CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Mặc dù là 2 ông lớn đầu ngành nhưng kết quả kinh doanh của Mai Linh và Vinasun rất khác nhau. Mai Linh lỗ nhiều năm liên tiếp còn Vinasun thì tăng trưởng mạnh qua các năm, tích lũy được vốn chủ sở hữu lớn. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế , Mai Linh lỗ vì phát triển theo hướng đa ngành và phải trả giá vì chi phí tài chính quá lớn (trả lãi suất vay ngân hàng), còn Vinasun phát triển do tập trung vào lĩnh vực mà mình có thế mạnh nhất, taxi.

Có một câu đùa nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett rằng “khi thủy triều rút đi người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm”. Ở Việt Nam, gần như nhiều doanh nghiệp đã và đang ở vào hoàn cảnh đó.