U23 đã chiến thắng cho đến lúc này trong lòng người hâm mộ Việt Nam bất chấp có vô địch hay không. Bản thân tôi gần 10 năm nay không viết về bóng đá vì nhận ra nó chỉ là thứ “doping tạm thời” cho một xã hội xuống dốc nhiều mặt, nhưng cũng bị các em chinh phục.

com co thit
Chương trình “Cơm có thịt” cùng bộ đội biên phòng mang gạo và nhu yếu phẩm cho 300 hộ thiếu đói sau khi bị lũ quét qua, ở bản Mày, Khùa – Trọng Hoá, Quảng Bình, tháng 10/2016. (Ảnh: FB Lê Vân)

Nhưng có những người vẫn miệt mài tham gia “trận đấu”, “giải đấu” của đời họ như các cầu thủ mà số đông không ghi nhận. Hoặc chưa ghi nhận…

Để cõng con chữ vượt núi, lội khe, qua lũ tới trường. Để những bữa ăn người nghèo đủ chất. Để những phận người dưới đáy xã hội còn điều gì đó mà hy vọng, kể cả đến lúc chết. Hay đơn thuần để những đứa trẻ có thêm kỹ năng tự bảo vệ trước nguy hiểm đầy rẫy xung quanh.v.v…

Họ cũng bị chơi xấu trắng trợn, như cách tưởng tượng ra quả phạt đền của trọng tài để bắt U23 phải chịu. Họ cũng bị đối phương dùng tiểu xảo nhân danh “tập thể”, nhân danh “đại cục” để cản trở như cách nhiều đối thủ đã cản trở các chàng trai của chúng ta. Họ cũng “thấp bé, nhẹ cân” trước cường quyền, trước cán bộ biến chất, doanh nghiệp bẩn, giang hồ mất dạy (giang hồ “xịn” họ phân biệt được ai vì dân, vì nước) v.v..

Nhưng họ vẫn chiến đấu đến phút cuối cùng dù phải “rời sân bằng cáng”!

Chiến thắng, không phải là một trận đánh hay một cuộc chiến, mà là chiến thắng bản thân. Để bước qua nỗi sợ hãi của mỗi người!

Các cầu thủ U23 đã vượt qua các đối thủ to khỏe hơn của những nền bóng đá mạnh hơn. Họ vượt luôn cả những tiêu cực trọng tài. Họ chiến đấu để vượt trình độ bản thân. Và họ có khán giả cổ vũ!

Những người hùng thầm lặng tôi biết có mọi điều nói trên như các cầu thủ. Họ miệt mài “chiến đấu”. Chỉ là đôi khi họ không có ai cổ vũ…

Tôi trân trọng những con người thầm lặng ấy!

Theo facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

Xem thêm: