Rạng sáng ngày 16/4, một ngày sau khi tổ chức lễ duyệt binh lớn nhất trong lịch sử để kỷ niệm ngày sinh nhật của “lãnh tụ khai quốc” Kim Nhật Thành, Bắc Hàn âm thầm cho phóng thử một quả tên lửa, mặc dù thất bại nhưng đã bất chấp cảnh báo nghiêm trọng từ chính quyền Trump và Bắc Kinh. Sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào phản ứng của Mỹ. Nếu kịch bản Mỹ tấn công Bắc Hàn xảy ra, Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Bắc Hàn trong vòng vây của Mỹ - Trung - Hàn. (Ảnh: internet)
Bắc Hàn trong vòng vây của Mỹ – Trung – Hàn. (Ảnh: internet)

Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), được trích dẫn bởi cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, người phát ngôn của Sở Nghiên cứu Hòa bình và Giải trừ Quân bị của Bộ Ngoại vụ Triều Tiên, hôm 13/4 đã tuyên bố rằng nếu nước Mỹ dám manh động, Triều Tiên sẽ tấn công đáp trả theo cách của Triều Tiên, dùng “sấm hạt nhân và tia sét trừng phạt” dội xuống đầu của thế lực thù địch, cho nước Mỹ nếm “mùi vị của chiến tranh thật sự”.

Sáng hôm nay, Foxnews dẫn lời Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, Bắc Triều Tiên đã âm thầm cho phóng tên lửa ở bờ biển phía đông vào rạng sáng Chủ Nhật (16/4) ngay sau ngày lễ duyệt binh. Giới chức Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều đã lên tiếng xác nhận tên lửa phóng hỏng, đã nổ ngay sau khi rời bệ phóng.

Hiện chưa có phản ứng chính thức về vụ phóng hỏng tên lửa này từ phía Nhà Trắng. Nhưng trước đó vào thứ Sáu (15/4), giới quan chức Mỹ khi trao đổi với hãng tin AP nói rằng chính quyền Mỹ đã quyết định một chính sách nhấn mạnh đến việc gia tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng bằng sự giúp đỡ của Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Bắc Hàn.

Nếu Triều Tiên ngoan cố thử vũ khí hạt nhân và phía Mỹ quyết định tấn công Bắc Hàn để trừng phạt thì Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

Giả thuyết thứ nhất là Trung Quốc sẽ khoanh tay đứng nhìn lửa cháy. Như vậy sẽ có 3 rủi ro: một là nếu mặc kệ chuyện của láng giềng thì sẽ tổn thất lớn về mặt hình tượng quốc gia, sẽ mất thể diện trên trường quốc tế; hai là nếu Triều Tiên xuất hiện một lượng lớn nạn dân thì vùng đông bắc của Trung Quốc, nơi tiếp giáp với Triều Tiên sẽ có ảnh hưởng bất lợi; ba là Kim Jong-un trước sức mạnh quân sự của Mỹ-Hàn không thể làm gì được, có thể sẽ trút sự oán hận ẩn tàng suốt mấy chục năm của Triều Tiên lên Trung Quốc, không biết chừng sẽ đem “sấm hạt nhân và tia sét trừng phạt” có sẵn trong tay để cắn lại đồng minh. Nhìn lại lịch sử từ cuộc chiến đảo Trân Bảo giữa Trung Quốc và Liên Xô, cuộc chiến biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam cho thấy sẽ không có chuyện vì là “đồng chí” mà hạ thủ lưu tình.

Giải thuyết thứ hai là Trung Quốc cũng có thể tham gia một phần “liên Mỹ đả Triều” (cùng hợp tác với Mỹ đánh Triều Tiên). Mỹ sẽ phụ trách từ trên không, còn Trung Quốc phụ trách mạn phía bắc, Mỹ – Hàn phụ trách mạn nam của Triều Tiên, hợp lực tấn công thần tốc phá hủy các công trình hạt nhân của Triều Tiên và khống chế cục diện. Lý do có thể buộc Trung Quốc hy sinh đồng minh là để triệt tiêu hậu họa khi mà Bắc Hàn, trong đường cùng không thể làm gì Hoa Kỳ, sẽ quay sang đánh cả “anh hai Trung Quốc”. Khả năng hạt nhân cộng với vị trí địa lý gần nhau, Bắc Hàn cũng là một mối nguy hiểm tiềm tàng to lớn của Bắc Kinh.

Từ sau cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung vào ngày 7/4, chưa có thông tin về việc Trung Quốc và Triều Tiên có cử đại sứ qua lại với nhau. Ngược lại, đại biểu đặc biệt của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã khởi hành đến Hàn Quốc vào ngày 10/4. Điều này có chút kỳ lạ, cũng có thể Triều Tiên đã cự tuyệt qua lại với Trung Quốc. Ông Vũ Đại Vĩ là trưởng phái đoàn Trung Quốc tham gia cuộc họp 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, là đại biểu đặc biệt về sự vụ bán đảo Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Theo tin công khai, ông Vũ Đại Vĩ viếng thăm Hàn Quốc từ 4 đến 5 ngày, giới thiệu với Hàn Quốc về nội dung liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên giữa các nguyên thủ quốc gia Mỹ-Trung, và việc phía Trung Quốc nắm chắc các động thái và xu hướng của Triều Tiên. Điều này cho thấy liên hiệp Mỹ-Trung-Hàn đánh Triều Tiên là có khả năng. Tuy nhiên, nếu đế chế cai trị của nhà họ Kim sụp đổ, ảnh hưởng địa chính trị tới Trung Quốc cũng không phải là nhỏ.

Theo blog Hoa Khải Thiện

Xem thêm: