Hóa ra trong cả một năm nay, anh “soái ca” địu con nhặt rác đâu chỉ có một vài lần nhận tiền quà của mọi người cho. Lần nào cũng là vì thương cảm đứa bé hàng ngày vẫn ngặt nghẽo trên lưng trong khi bố bới rác. Thậm chí có người còn để anh livestream nói về hoàn cảnh của mình và hứa đi đăng ký tài khoản ngân hàng nhằm dễ dàng nhận tiền giúp đỡ.

(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Cho đến khi anh bị bóc phốt và câu chuyện lan truyền trên mạng.

Tuy nhiên vụ lừa đảo này đâu có gì mới. Đã có biết bao nhiêu câu chuyện tương tự rồi. Cũng mới cuối năm ngoái đây, vụ người cha đi làm thuê nuôi ba đứa con trên lề đường ở Sài Gòn chẳng đã cảnh báo mọi người về lòng tốt cần đặt cho đúng chỗ rồi còn gì?

Một bài học không bao giờ cũ là đừng vội vã, nhất là khi bạn chứng kiến những cảnh tượng đau lòng hết mức và liên quan đến trẻ em. Bạn có nhớ vụ xử án chia con lẫy lừng của Đức vua Solomon không? Có người cha nào thực sự thương con mà để đứa con bé nhất lúc lỉu như một quả nho theo mình lúc nửa đêm về sáng, hay không?

Thông thường họ sẽ để đứa bé ở nhà, hoặc gửi con cho một bà hàng xóm nào đó, tháng trả ít tiền và rảnh rang kiếm việc làm nuôi con.

Cho nên đứa bé tội nghiệp, tâm điểm khiến nhiều người Hà Nội xót xa và sẵn sàng rút ví kia, nhiều phần đã được bố cháu trưng dụng làm công cụ hỗ trợ để kiếm tiền từ lòng tốt của xã hội.

Thế nên khi bố cháu lộ rõ là kẻ vô cùng thiếu trách nhiệm, bài bạc, nghiện ngập, lừa dối và bạo lực (25 tuổi đã đẻ đến ba con, chơi lô đề đến mức bán cả nhà cửa của cha mẹ nuôi, từng trộm cắp, vẫn đang sống với vợ nhưng nói dối là vợ bỏ đi, đánh con đến mức cầm cái thắt lưng chập đôi thẳng cánh quật vào đầu…), những người đã giúp anh ta có quyền nổi giận.

Họ giận vì họ bị lừa.

Hai cái tát, hai cái đạp của những công dân “thế thiên hành đạo”, ở một khía cạnh khác, nó là những giọt nước mắt bất lực.

Chúng ta bị lừa nhiều quá. Đâu đâu cũng nói đến niềm tin bị mất. Người lớn dạy con đừng tin bất cứ một ai. Chữ lừa ăn sâu trong mọi hoàn cảnh mọi quan hệ đến nỗi khi đùa về một tình yêu mới chớm nở, người ta gọi luôn hành vi ấy là “lừa thành công rồi”.

Đâu đâu chung quanh, chúng ta cũng thấy bóng dáng của sự lừa đảo.

Một sinh viên sư phạm chạy chọt để được vào trường công hành nghề, là một giáo viên lừa học sinh về những khái niệm làm người công chính mà họ sẽ rao giảng.

Một quan chức hứa hão với dân, là lừa dối về trách nhiệm quản lý.

Một cơ quan nhà nước chạy dự án, hoạnh họe doanh nghiệp để ăn bớt lại quả đến 30%-50% chi phí công trình, là lừa công sức của doanh nghiệp đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm tiền để góp phần phát triển đất nước.

Một người viết báo tiếp nhận những thông tin bị bóp méo và lan truyền nó ra, là lừa đảo bạn đọc.

Một doanh nghiệp bán sản phẩm kém chất lượng trong khi ra sức quảng cáo vị thế số một cho nó, là lừa đảo người tiêu dùng.

Một nông dân, thương lái phun xịt thuốc đẫm vào nông sản rồi đi bán bất chấp lời khuyên của các chuyên gia nông học, là lừa đảo sinh mạng người khác.

Từ rải đinh cho đến chạy điểm, sự lừa dối hiện diện khắp nơi trong xã hội.

Tôi nhớ nhiều vụ án người nước ngoài sang đây du lịch, làm ăn hoặc kết hôn, bị lừa cho đến cạn kiệt vốn liếng, ngơ ngác dại người, thất điên bát đảo. Chỉ vì họ ngay thẳng trung thực quá cho nên bị lạc lõng trong xã hội chúng ta. Thậm chí có câu cửa miệng mới là “Gà như Tây”.

Các bạn hẳn còn nhớ bức thư được cho là của một ông chủ người Nhật viết về nhân viên người Việt của mình, anh lái xe bớt xén xăng dầu, đoạn đường, chi phí sửa chữa… Ông nói ông biết hết nhưng cho qua, vì sự an toàn của chính ông khi ngồi trong xe. Dầu vậy, ông cắt các khoản tiền thưởng cho anh tài xế.

Không ít người Việt sang sinh sống ở các nước văn minh cũng vẫn lọc lừa đủ kiểu. Đầu tiên lừa nhà chức trách nước họ bằng kết hôn giả với người nước ngoài. Sang đến nơi rồi, muốn trốn thuế, rung đùi hưởng trợ cấp thì ly hôn giả.

Trong cái xã hội đầy hoang mang này, niềm tin còn lại ở đâu?

Niềm tin còn lại, chúng ta gửi gắm nó ở những đứa trẻ. Chúng ta được tiếp năng lượng bởi sự ngây thơ trong trẻo của chúng, và dành hết công sức, ước mơ cho chúng, vì chúng mà nỗ lực thay đổi bản thân và làm những điều tốt cho cộng đồng. Để hy vọng chúng sẽ được lớn lên trong một xã hội trong lành hơn, nơi mà một người thật thà trung thực không phải là miếng mồi ngon cho sự dối lừa.

Càng mất niềm tin, con người càng khao khát nó. Trong bãi đãi vàng, một chút ánh lóe lên trong đám đất bùn khiến trái tim loạn nhịp hơn khi rung đùi ngồi giữa một tòa nhà đâu đâu cũng sáng chói vàng bạc.

Trái tim của người đọc cũng loạn nhịp nhanh như vậy trước một mẫu hình của tình cha con cảm động, nhất là khi làn gió đông lạnh lẽo khiến người ta muốn nép vào nhau hơn, và cũng dễ se lòng trước một hoàn cảnh đáng thương hơn.

Nếu anh “soái ca” nghiện ngập không vác đứa trẻ sau lưng diễn trò nửa đêm bới rác, chắc chắn chẳng ai thèm dành cho anh lấy một nửa mắt nhìn. Vì anh là người trưởng thành và có quyền chọn công việc mưu sinh phù hợp.

Nhưng khi anh lộ nguyên hình là người đàn ông lừa dối, nghiện ngập, bợm bãi, người cha bạo lực rút cả thắt lưng quật vào chính giữa đầu đứa con bé bỏng của mình, anh đã lừa gạt chút niềm tin còn lại của rất nhiều người. Khi đó, người ta rất dễ mất bình tĩnh.

Anh bị đánh vì điều đó. Giọt nước làm tràn ly là hành vi đánh con. Tổng cộng hai cái tát và hai cú đạp, nếu như bạn chưa xem clip đó. Sau khi bắt anh hứa live stream sẽ không bao giờ đánh con nữa, chính những người đánh anh đã trả tiền ăn uống của bốn bố con tại quán, cho thêm tiền cho cháu bé và bảo vệ anh an toàn ra xe.

Dĩ nhiên, không thể cổ vũ việc đánh người. Ngay việc cho tiền cháu bé cũng không giải quyết được gì, vì còn sống với một người cha không nghề nghiệp thì ba đứa bé chắc chắn đói ăn thiếu mặc và bị đánh. Các cháu cần được đưa vào nuôi trong một trung tâm bảo trợ trẻ.

Nhưng đấy là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em. Họ được lập ra cho nhiệm vụ này, họ có cả một hệ thống dày đặc từ trung ương xuống đến địa phương và được trao nhân lực tài chính để đi tìm và bảo vệ trẻ. Họ phải làm.

Tôi còn muốn hỏi thêm một câu. Tẩn anh bố lừa gạt kia vài quả để nó đừng đánh con nữa, thật dễ dàng. Thế nhưng với những sự lừa đảo đáng sợ hơn đang diễn ra xung quanh chúng ta, liệu có những cú đấm nào có thể chấm dứt và ngăn nó tái diễn?

“Của tin còn một chút này

Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan”