Từ năm 1981 đến 1984, Hồ Thiếu Dương và Trần Tiểu Mông, con của hai cán bộ lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã cầm đầu một nhóm lưu manh, dùng danh nghĩa điều động công tác ca múa, đã lừa đảo, vũ nhục, cưỡng hiếp và cưỡng hiếp tập thể đến hàng chục phụ nữ khác nhau. Vụ án này đã làm chấn động cả Bến Thượng Hải.

Ngày 17/2/1986, Tòa án cao cấp thành phố Thượng Hải đã ra quyết định hình sự, bảo lưu quyết định của Tòa án trung cấp thứ nhất thành phố Thượng Hải về việc xử tử hình và tước mọi quyền lợi chính trị đối với Hồ Thiếu Dương, Trần Tiểu Mông, Cát Chí Văn do tội cưỡng hiếp và lưu manh. Sau đó, Tòa án tối cao cũng phê chuẩn việc cho phép tử hình đối với 3 người này.

Năm đó, vụ án này đã gây chấn động trên toàn Trung Quốc. Nguyên nhân là do ba người trẻ tuổi bị tử hình này có hai người là con của cán bộ lãnh đạo cao cấp trong ĐCSTQ. Đầu phạm Hồ Thiếu Dương là con trai nuôi của Bí thư thứ hai thành ủy Thượng Hải Hồ Lập Giáo. Người phạm tội nặng thứ hai Trần Tiểu Mông là con trai lớn của Phó cục trưởng Cục Tuyên truyền thành ủy Thượng Hải Trần Kỳ Ngũ. Ngoài ra con trai thứ của Trần Kỳ Ngũ là Trần Băng Lang cũng bị xử 20 năm tù giam.

Theo cách mà nội bộ Đảng viên ĐCSTQ thường gọi thì Hồ Lập Giáo có xuất thân “Hồng Tiểu Quỷ”. Năm 1928, lúc 14 tuổi, Hồ Lập Giáo đã tham gia Hồng quân ĐCSTQ. Hồ Lập Giáo chính là một trong những người gặp đại nạn không chết, trải qua nhiều cuộc chiến tranh và đấu đá nội bộ của ĐCSTQ, đến năm 2006 mới chết, lúc đó 96 tuổi.

Năm 1953, Hồ Lập Giáo giữ chức Phó bộ trưởng trong Bộ Tài chính Trung ương của Lý Tiên Niệm. Sau đó ông này không được trọng dụng, bị điều ra ngoài đến Mẫu Đan Giang làm bí thứ thứ nhất. Tháng 10/1964, khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, Hồ Lập Giáo chuyển sang giữ chức Trưởng Ngân hàng Nhân dân, nhưng làm được 1 năm 8 tháng thì bị đả đảo.

Hồ Lập Giáo vào lúc trung niên bị mất con nên sau đó nhận nuôi con thứ 2 của chị vợ, đổi tên là Hồ Thiếu Dương. Lúc được nhận nuôi, Hồ Thiếu Dương mới được 10 tuổi, vừa đúng lúc xảy ra Cách mạng Văn hóa. Vợ chồng Hồ Lập Giáo bận rộn đối phó với các hoạt động đả đảo và tranh đấu nên Hồ Thiếu Dương không bị quản giáo chặt chẽ, nhanh chóng biến thành vô cùng phóng đãng.

Vào đầu những năm 80, Hồ Lập Giáo được điều đến Thượng Hải làm Bí thư thành ủy thứ hai. Lúc đó, Hồ Thiếu Dương làm ký giả trú tại Thượng Hải của tờ “Kiến Trúc Thế Giới” của đại học Thâm Quyến. Hồ Thiếu Dương đã cùng với hai con của Phó cục trưởng Cục Tuyên truyền thành ủy Thượng Hải là Trần Tiểu Mông và Trần Băng Lang, cùng một số đồng bọn khác sử dụng một căn nhà tại trung tâm thành phố, dùng danh nghĩa điều động công tác ca múa để lừa đảo, vũ nhục, cưỡng hiếp và cưỡng hiếp tập thể đến hàng chục phụ nữ. Những người này vô cùng liều lĩnh, gây ra tội ác nghiêm trọng và ảnh hưởng vô cùng lớn. Tuy nhiên, việc bắt và xử được những người này không hề là chuyện đơn giản.

Ngày 19/10/1984, tại Phân cục Công an Lô Loan thuộc Cục Công an thành phố Thượng Hải, hai cảnh sát họ Triệu và họ Vương đã nhận được một lá thư tố cáo, nội dung chỉ vẻn vẹn 15 chữ: “Tôi nghe được ‘nhân vật X’ nói rằng, có một cô gái trẻ bị cưỡng hiếp tập thể”.

Cảnh sát họ Triệu và họ Vương không mất nhiều thời gian để tìm thấy cô gái bị hại.

Lúc đó, cô gái thờ thẫn một lúc lâu, sau đó khuôn mặt ảm đạm, nước mắt rơi lã chã, mới lắp bắp nói được rằng hai năm trước trong một đêm nọ: “Tôi vốn không thích ca múa. Tôi bị một số người đưa đến một nhà kia, không ngờ rằng bọn họ thay phiên làm nhục tôi… Tôi không nhớ ra tên của họ, chỉ nhớ là có một người đeo kính, một người khác gọi người đó là ‘bồ câu nhỏ’… Ngôi nhà đó vô cùng biệt lập với xung quanh…”.

Sự việc này phát sinh trong thời gian ông Hồ Diệu Bang đang nắm quyền. Cảnh sát điều tra đã thông qua xác nhận lời khai, thu nhỏ phạm vi đến một khu phố. Cán bộ khu phố phản ánh lại rằng: “Ở khu phố này có hai nhà thường xuyên mở tiệc tại nhà… Có một nhà ở đằng kia, thường có nhiều người ra vào, nam nam nữ nữ từng nhóm, vô cùng ô yên chướng khí”.

Điều tra sau đó thu thập được thông tin, người sống trong nhà này chính là hai con của Phó Cục trưởng Cục Tuyên truyền thành ủy Thượng Hải Trần Kỳ Ngũ. Một người là phóng viên tạp chí “Dân chủ dựa vào pháp chế” tên là Trần Tiểu Mông, người kia là công nhân của Công xưởng 102 Hàng không Trung Quốc tên là Trần Băng Lang.

Cảnh sát họ Triệu và họ Vương tìm đến hỏi ‘nhân vật X’ là người đã đưa cô gái trẻ bị hại đi. X  thành thực nói ra rằng lúc trước từng làm việc liên quan đến ca múa, còn nói rằng “bồ câu nhỏ” là biệt hiệu gọi Cát Chí Văn, là công nhân của nhà máy hương liệu Tân Hoa.

Cảnh sát họ Triệu và họ Vương lấy được ảnh của Cát Chí Văn thì đưa cho cô gái bị hại nọ để xác nhận. Cô nói “Không sai, chính là ‘bồ câu nhỏ’”. Sau đó, thông qua thẩm vấn, Cát Chí Văn khai ra lần lượt những phụ nữ trẻ bị hại, đồng thời cũng khai ra chủ mưu là Hồ Thiếu Dương và các đồng phạm bao gồm cả Trần Tiểu Mông và Trần Băng Lang.

Ngày 24/1/1985, trời nổi gió phương bắc lạnh cắt da cắt thịt. Cảnh sát Thượng Hải sau khi theo dõi hơn 10 tiếng đồng hồ thì mới bắt Hồ Thiếu Dương, lúc đó đang ở một khách sạn trên núi Hành Sơn ở Thượng Hải. Hồ Thiếu Dương là người cuối cùng trong toàn bộ 6 người bị bắt và kết án:

  • Hồ Thiếu Dương, con nuôi của Bí thư thứ hai thành ủy Thượng Hải Hồ Lập Giáo, ký giả của tờ “Kiến trúc thế giới” Đại học Thâm Quyến: bị xử bắn.
  • Trần Tiểu Mông, con trưởng của Phó Cục trưởng cục Tuyên truyền thành ủy Thượng Hải Trần Kỳ Ngũ, ký giả tạp chí “Dân chủ dựa vào pháp chế”: bị xử bắn.
  • Cát Chí Văn, công nhân xưởng hương liệu Tân Hoa: bị xử bắn.
  • Trần Băng Lang, con trai thứ của Trần Kỳ Ngũ, công nhân xưởng 102 Hàng không Trung Quốc: tù giam 20 năm (sau đó đã tự vẫn trong tù)
  • Trần Phàm Hoành, thuyền viên của chi nhánh Thượng Hải của Tổng công ty Vận tải Viễn Dương Trung Quốc: tù giam 5 năm.
  • Khang Dã Phi, quản lý của Công ty Công nghiệp Điện năng Thâm Quyến: tù giam 3 năm.

Khi vụ án này bị phanh phui, dư luận vô cùng náo động. Nguyên phạm của vụ án là con của một quan chức cấp cao nên trong suốt quá trình điều tra đã vấp phải rất nhiều trở lực. Dám nhiều lần phạm tội cưỡng hiếp là do ở sau lưng có hậu thuẫn. Ở nhiều bước điều tra cũng liên tục có người can thiệp để gạt đi nên độ khó khăn của việc khởi tố vụ án vô cùng lớn.

Khi đó, Bí thư thứ nhất thành ủy Thượng Hải là Trần Quốc Đông không thể không lên trung ương để hỏi ý kiến Tổng Bí thư khi đó là Hồ Diệu Bang. Cuối cùng, phải do ông Hồ Diệu Bang tự thân nói ra một câu “tội ác quá lớn, không giết thì không thể bình được lòng dân” mới trở thành quyết định cuối cùng. Tháng 2/1986 tòa án tuyên hình, 3 tháng sau thực hiện xử bắn.

Vụ án của Hồ Thiếu Dương bị đích thân ông Hồ Diệu Bang yêu cầu xử lý theo đúng pháp luật Trung Quốc là một dấu mốc quan trọng trong thời kỳ cải cách của Trung Quốc. Ông Hồ Diệu Bang cũng nhờ việc xử lý nghiêm các vụ án kiểu như vậy mà được lòng dân. Mặc dù sau giai đoạn cầm quyền này, ông Hồ Diệu Bang bị đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ làm cho mất thực quyền, nhưng ông được nhiều người thuộc phe cải cách dân chủ, pháp quyền ủng hộ. Khi ông qua đời, các hoạt động kỷ niệm đã biến thành biểu tình trên quy mô lớn và dẫn đến thảm sát ở Thiên An Môn.

Blog Cù Chỉ

Xem thêm: