Ảnh minh họa (Flickr: Phạm Việt Anh Minh)
Ảnh minh họa (Flickr: Phạm Việt Anh Minh)

… Chả biết giời xui đất khiến hay chỉ vì một phút xao lòng, có một chiều bố tôi vác về nhà một cây tre. Chắc là mua của nhà ông Cải ngay bụi tre đầu ngõ, nhìn cái kiểu thân tre xâu xấu bẩn bẩn là tôi chắc đến 95% tre đó chặt từ bụi tre nào.

Công phu nhận tre của tôi không thua công phu nhận huyệt của Bình Nhất Chỉ, tức là không phải dạng vừa. Tất cả là nhờ nhiều trưa luyện tập.

Bố hạ cây tre xuống khoảng sân trước cửa bếp, cái ngọn còn chừa lại mấy cái tay tre lá màu xam xám, còi cọc đến thảm hại. Bố tôi vạt thêm vài lượt dọc theo thân tre. Con dao nan của chú Tổng rất sắc. Những đầu mặt gồ ghề ở đốt tre dần văng hết ra sân. Chừng đã khá sạch, bố tôi phạt ngọn và pha cây tre.

Pha một cây tre, không đơn giản là bổ nó ra thành năm bảy mảnh. Trên cây tre, các vòi hay gọi là tay tre thường mọc theo thế cài răng lược. Chỗ mọc tay gọi là đốt, chỗ không mọc, thì gọi là kiến. Pha tre cao thấp ăn nhau ở chỗ lọc được đốt mà lợi được kiến. Như vậy thì cây tre mới nhiều thịt, nan tre mới dẻo dai.

Cao thủ pha tre trong làng, xóm tôi có chú Nguyên sau chuyển nhà vào Lâm Đồng. Xóm Cống thì có chú Điền, xóm Gốc Đề có ông Ha, ông Bính. Họ nhà tôi, thì có chú Tổng, anh Hiền cũng vào loại khá. Thứ bậc của sự khéo tay, tuyệt nhiên không xếp đến bố tôi.

Thành thử, ông bố không có tên trong giang hồ pha tre của tôi đã chọn mua một ông tre thay vì một chú tre ở tuổi bánh tẻ. Đã vậy thì chớ, bây giờ ông đang ngồi loay hoay vót nan từ những mảnh tre, pha kiểu gì mà các đốt kiến kéo nhau đi đâu hết.

Tôi le ve lại giúp thì ông bảo : Cõng em ra ngoài ngõ chơi. Để bố

– Bố định làm gì vậy ạ?

– Ừ, bố đan cái giỏ cua.

Tôi biết là chả hy vọng gì, gọi bọn Thương, Dũng và cõng con Thủy ra chơi chỗ bụi tre ông Vây. Dưới ao, làn khoai bà Gái mới móc bùn đổ làn nhìn nhẵn thín đầy hấp dẫn. Từ mép làn, những ngọn rau muống đua, như những con rắn nhoai ra mép nước. Trên cành chà rào, chú chuồn ngô thoắt đậu, thoắt xà cái đuôi xuống mặt nước rồi cong lên mồm uống nước. Mấy con gọng vó lười biếng nằm duỗi dài bên đám lá súng xanh.

Quả không ngoài dự đoán của tôi. Xẩm tối, lúc mẹ tôi bắt chéo đôi đũa cả bê nồi canh từ bếp lên trái thì con giỏ thần thánh của bố tôi chỉ cần đan nốt cái hom là xong. Nhìn cái giỏ cua như trái bầu nắn lệch, tôi thấy ngao ngán khi so nó với những cái giỏ tạo khung lên form uốn lượn mềm mại của chú Điền. Cơ bản bố tôi không thể trở thành một Lục Trúc Ông ở phía Đông Thành.

Suốt những năm tháng tuổi thơ tôi sống trong mặc cảm với bọn trẻ cùng làng. Bố chúng nó dạy chúng đan lát đủ kiểu. Có thằng còn đan được cả cái Lờ, là loại tinh tế nhất trong những sản phẩm đan, hay như chú Thăng con ông Chèo còn đan được cả cái Cào (Dậm) tuy hơi méo nhưng nó là một sự kiện của làng Đồn, tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả. Trước đây muốn đánh giậm, dân làng tôi toàn phải mua Cào dưới Bái. Dù là sau cái Cào của chú Thăng không ai đan cào nữa. Nhưng cú đột phá ấy càng làm tâm hồn thơ bé của tôi tổn thương sâu sắc vì chỉ biết đan mỗi cái hom giỏ.

Tôi lớn lên đi học ở quê ngoại. Mấy đứa em cũng lớn dần. Chả có đứa nào nhận được y bát của bố tôi về đan lát hay đục đẽo. Đơn giản vì bố tôi không biết làm mấy thứ đó. Hoặc là thời gian của bố mẹ tôi, ngoài việc mưu sinh cũng chẳng còn nhiều.

Bây giờ đến tôi.

Hàng ngày tôi nghe biết bao bà mẹ ông bố kể về việc chăm lo cho con cái. Vào hè là học võ, học bơi, học piano, học sắc xô và có khi còn cho đi học đổ bô trong học kỳ quân đội. Họ report từng bước tiến của con với tràn ngập tự hào.

Lại một lần nữa tâm hồn ngỡ như trẻ thơ của tôi tổn thương ghê gớm. Có cô con gái cả, cho đi học piano… còn bảo nó, con sướng nhá, hồi cấp ba bố chỉ mong gẩy được bài Hoa sứ nhà nàng để tán mẹ con mà không làm được. Học hết Green, một hôm nó bảo thôi, con không thích học nữa. Thế là thôi. Nhìn kiểu dửng dưng của nó, phụ họa bởi bố nó, mẹ nó sôi máu lắm cũng đành chịu.

Bố tôi không có hoa tay để đan cái giỏ cua đúng phom. Tôi không có tai thẩm âm để gảy bài Hoa sứ nhà nàng. Nhưng bố tôi và mẹ tôi dạy tôi biết lam lũ. Tôi thì dạy các con biết yêu thương. Tay nghề thủ công hay mầm non nghệ thuật… suy cho cùng cũng là để cuộc sống tốt đẹp hơn. Mà cuộc sống sẽ tốt đẹp nếu nó được xây trên nền móng của yêu thương. Của những điều tốt đẹp mà người ta nghĩ về nhau, dành cho nhau. Chứ không phải từ những kỹ năng mua lại của thầy cô mỹ thuật và âm nhạc.

Ngày mai, Chủ Nhật đầu tiên của Tháng Chín, ở Úc là father day. Mấy hôm nay Bầu đã hì hục cùng mẹ gói quà cho bố. Không cho tôi biết trong đó có gì đâu. Nhưng kiểu gì chả có bức tranh vẽ tôi dắt nó chơi ở Playground. Thấy mình trong tranh, dẫu nguệch ngoạc, cũng là tình yêu của tôi dành cho nó. Cũng như cái giỏ tre đan xong gác lên ránh bếp để mẹ tôi đựng hành mà bố tôi đan năm nào.

Chỉ cần là như vậy. Xấu đẹp quan trọng gì, cùng lắm không làm được thì thuê chứ!!!