Chỉ cần không dạy trẻ nói dối, dạy trẻ về tình yêu thương và trách nhiệm, thì 20- 30 – 40 năm nữa, chúng ta sẽ bớt đi các vụ bạo hành đê hèn như thế!!

Một vị lãnh đạo của TP. HCM: “xem clip bạo hành trẻ, tôi tự hỏi họ có nhân tính không?”.

Nhiều người cũng thảng thốt đặt câu hỏi như thế. Nhưng cách tư duy như thế thì sẽ còn rất nhiều trẻ bị bạo hành, nền tảng đạo đức và luân lý xã hội còn tiếp tục xuống cấp. Bởi vì, câu hỏi đầu tiên của người quản lý địa phương, quản lý ngành nên là:

Tại sao điều này xẩy ra? Đâu là lỗ hổng trong quản lý? Tôi còn đang thiếu trách nhiệm, trí tuệ ở đâu để xẩy ra vấn đề này?

Quay trở lại những năm 45, nạn đói khủng khiếp lấy đi sinh mệnh của 2 triệu đồng bào. Nỗi đau qua đi, nhưng các nghiên cứu sau đó là sự kinh ngạc của thế giới trước chuẩn mực đạo đức cao thượng của người Việt chúng ta: lá lành đùm lá rách. Những nhà giầu lấy gạo dự trữ ra nấu cháo phát chẩn, người kiếm được cái ăn chia sớt cho người không có, dù đó là bát cám gạo. Dù nạn đói khủng khiếp nhưng không có chuyện ăn thịt người như các thảm họa khác từng xẩy ra ở Trung Quốc hay đâu đó trên thế giới. Nhiều đứa trẻ vẫn thoát khỏi nạn đói dù bố mẹ đã không còn nhờ những láng giềng hoặc chính những người xa lạ….

Vậy điều gì khiến chúng ta ngày một tàn nhẫn với nhau khi chúng ta đã cùng nhau vượt qua chiến tranh, đói khát và giờ đã no đủ hơn? Sự tàn nhẫn xuất hiện ngày một dày đặc với những đứa trẻ chỉ hơn 1 tháng tuổi, với những trẻ mầm non chưa biết nói.. Sự tàn nhẫn ấy đã đi đến cùng cực của lương tri mất rồi. Tại sao? Bởi vì, chúng ta từng mắc sai lầm lịch sử quá lớn: cổ xúy dân mình phải vắt kiệt lương tri khi đấu tố hàng xóm, láng giềng, con tố cha, vợ tố chồng. Một nền tảng đạo đức dày công vun đắp của cha ông bị đào xới tận gốc tủy. Bởi vì, nền giáo dục của chúng ta nhiều thập kỷ đã quên mất dạy Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, thay vào đó chỉ là lòng căm thù. Lịch sử và văn học một thời gian dài chỉ phiến diện về lịch sử đấu tranh cận đại. Gốc làm người CHÂN, THIỆN, NHẪN đều chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”… Chưa kể, thực tế thành phần bần cố nông còn quá nhiều khiếm khuyết về trí tuệ, tầm nhìn, kinh nghiệm lãnh đạo đã trở thành lãnh đạo. Vì biết mình khiếm khuyết, họ cũng tự ti, nhưng để bảo vệ hình ảnh,vị trí của mình, họ dám làm những điều mà người có đạo lý không dám làm. Kết quả là, chúng ta có một thế hệ trưởng thành từ “đấu tranh”, từ “vị kỷ”…

Cải cách giáo dục, không phải theo cách biến chữ “giáo dục” thành “Záo zụk”, không phải theo cách bỏ hàng ngàn tỷ để kiếm thêm hàng chục ngàn tiến sỹ. Hãy cải cách từ chương trình lịch sử và văn học, hãy dạy học sinh các giá trị truyền thống 4000 năm của dân tộc mình. Hãy dùng chân sử, dám bỏ ngụy sử mà dạy con cháu mình. Đứa trẻ học lớp 2, đừng ép chúng phải viết các bài văn như “em hãy nhìn bức ảnh bác Hồ bế em bé và viết cảm tưởng của em”. Con trai tôi không thể viết nổi bài văn đó, bản thân nó còn không hiểu cảm tưởng là gì, chưa nói đến nhân vật “BÁC” nó còn hết sức mơ hồ. Tôi không thể làm văn thay nó – tôi không thể dạy nó nói dối.

Chỉ cần không dạy trẻ nói dối, dạy trẻ về tình yêu thương và trách nhiệm, thì 20- 30 – 40 năm nữa, chúng ta sẽ bớt đi các vụ bạo hành đê hèn như thế!! Và nếu có thể, hãy sửa từ chính chúng ta ngày hôm nay – các bậc phụ huynh – xin hãy dạy con mình nhiều hơn nữa về tình yêu, trách nhiệm cộng đồng và xã hội. Cách dạy tốt nhất là làm gương cho trẻ. Ít nhất đó là điều chúng ta có thể làm được dù đang ở rất xa những đứa trẻ đang bị bạo hành kia – để cảm thấy có thể thay đổi chính chúng ta, thay đổi xã hội này, thay đổi nền tảng đạo đức đang xuống cấp này.

Theo facebook Ngọc Hà Nguyễn

Xem thêm: