APEC 2006 tại Việt Nam, chiếc áo dài từng được sử dụng làm trang phục cho lãnh đạo cấp cao của Hội nghị. Nhưng từ tháng Tư năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố sẽ không chọn áo dài khăn xếp làm trang phục cho Hội nghị APEC 2017. Chuyện chiếc áo dài, chuyện APEC, cũng có lắm việc để suy ngẫm…

Embed from Getty Images

Các nguyên thủ trong trang phục áo dài tại APEC 2006.

Nói về APEC, cũng là đang nói đến chuyện hội nhập, chuyện toàn cầu hóa. Người ta nói, toàn cầu hóa là cuộc chơi đôi bên cùng có lợi, chỉ có điều lợi ích ấy sẽ không đồng đều cho cả đôi bên mà thôi. Ấy vậy mà cuộc chơi này lại tạo ra cuộc khủng hoảng Brexit, hay khiến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử. Điều đó có nghĩa là không phải ai cũng thích toàn cầu hóa, vì sao lại như vậy?

Toàn cầu hóa được vẽ ra như một bức tranh đẹp về sự kết nối của thế giới, rằng nhân loại sẽ tự do hơn, các biên giới sẽ bị lu mờ, và mỗi người sẽ trở thành một “công dân toàn cầu”. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng có mặt trái của nó: bản sắc quốc gia, dân tộc dễ bị xói mòn, nhất là với những quốc gia yếu kém về kinh tế, yếu đuối về văn hóa và hết mực sùng bái những thứ ngoại lai, lai căng. Người Việt mình, đáng buồn lại nằm trong số đó…

Toàn cầu hóa mang lại cơ hội việc làm với thu nhập tốt cho người lao động ở những quốc gia đang phát triển xa xôi, kéo theo đó là một loạt các cơ hội làm ăn khác của bao ngành nghề phụ trợ, nhưng cũng khiến các làng nghề, hộ gia đình sản xuất kinh doanh truyền thống dễ dàng bị đè bẹp. Sau vụ Khaisilk bị lộ nhập hàng Trung Quốc về dán mác Made in Vietnam, người ta mới bàng hoàng khi báo chí phanh phui rằng các làng lụa truyền thống của Việt Nam cũng đi nhập lụa Tàu, thậm chí vài nhà ít ỏi còn giữ nghề thì cũng phải nhập con tằm từ nước bạn. Toàn cầu hóa dọn sẵn cho người ta những cỗ bàn thịnh soạn, đầy cám dỗ… nhưng vô hồn.

Aodaiky3
Công nương Đan Mạch diện áo dài Việt Nam. (Ảnh qua Pinterest)

Với những quốc gia “hết mình” vì tăng trưởng kinh tế như Việt Nam, toàn cầu hóa trở thành tờ giấy thông hành hợp lý để các nước khác xuất khẩu rác sang đây thông qua dây truyền công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Trong khi hưởng thụ đời sống vật chất đầy đủ hơn, người ta dần dần chấp nhận một thực tế rằng: Việt Nam đã trở thành một quốc gia ung thư. Việc các làng ung thư được hình thành từ chất xả thải của nhà máy ra nguồn nước không còn được bàn tán xôn xao như khoảng hơn chục năm trước, và rồi khi người thân quen của chúng ta lần lượt qua đời sau những ngày tháng đau đớn trên giường vì bệnh ung thư, chúng ta cũng chỉ đau xót chứ không còn bàng hoàng hay tức giận nữa.

Toàn cầu hóa không chỉ mang đến nguy cơ cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những nền kinh tế yếu ớt (ở Việt Nam chiếm tới trên 95%), nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu cao, mà đi cùng với nó còn là sự lu mờ về văn hóa, lu mờ bản sắc quốc gia. Khi mà ngày càng có nhiều người tự hào lắm với xưng danh “công dân toàn cầu”, thì “tôi là người Việt Nam” nghe có vẻ thật tầm thường, lạc lõng. Ấy chính là câu chuyện về chiếc áo dài.

APEC: Chuyện hội nhập, chuyện toàn cầu hóa, chuyện chiếc áo dài
Các mẫu áo được lựa chọn trình lên APEC vào thời điểm tháng 4 năm nay.

“Chúng ta đã từng chọn áo dài làm trang phục cho APEC 2006 tại VN, chúng ta cũng từng nhiều lần quảng bá văn hóa áo dài. Vậy tại sao phải dùng một trang phục khác như vậy. Nhất là tôi thấy 2 trang phục không giống gì với trang phục Việt. Có người nói nó giống trang phục Indonesia.”

Bà Thu Hòa, một nhà nghiên cứu và sưu tập văn hóa dân gian.

Trong khi Việt Nam còn đang lần mò tìm kiếm cơ hội hội nhập, còn chưa thật sự rõ ràng về sự khác biệt giữa quốc tế hóa và toàn cầu hóa, thì ở một bình diện khác, chúng ta đã mặc nhiên cởi bỏ chiếc áo dài truyền thống để nhường chỗ cho một bộ vest “tơ tằm truyền thống” cho APEC 2017. Mà không nói chi đến lần này, thậm chí ngay ở APEC 2006 thôi, ông Trịnh Bách, một nhà sưu tập trang phục Việt cổ, cũng chia sẻ rằng có một lãnh đạo cao cấp nước ngoài đã thắc mắc sao áo dài Việt Nam lại giống… trường bào Trung Quốc thế. Có lẽ vì vậy mà người ta tránh áo dài chăng?

Tất nhiên, hội đồng tuyển chọn trang phục cũng có lý do của họ: “Tiêu chí của APEC yêu cầu trang phục năm sau không được lặp lại những năm trước, không giống trang phục nước nào, cũng không giống trang phục nào mà quốc gia đã có […] chúng ta đang thiết kế trang phục cho APEC 2017, chứ không phải là thiết kế quốc phục, lễ phục. Chúng ta cũng kế thừa nhưng phải theo luật chơi quốc tế.” Cũng tất nhiên, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể đưa ra những thiết kế áo dài không trùng lặp?

Mà đó đâu chỉ là chuyện chiếc áo dài? Người Việt còn lãng quên và ruồng rẫy nhiều lắm những giá trị truyền thống mà các quốc gia tiên tiến hơn, phát triển hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc còn đang cố gắng bảo vệ…

APEC: Chuyện hội nhập, chuyện toàn cầu hóa, chuyện chiếc áo dài
Người Hàn bảo tồn văn hóa truyền thống của mình. (Ảnh qua tinmoi.vn)

Một cá nhân sẽ đóng góp gì cho xã hội nếu tự thân người đó không có nội lực và không được tôn trọng? Cũng như vậy, một quốc gia không có tự cường, tự lực, và dễ dàng đánh mất bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống thì thể nào cũng bị nhấn chìm trong khi hội nhập với thế giới.

Quang Minh

Xem thêm: